
Trung tâm thành phố Los Angeles, California. Ảnh: Getty Images
Theo The Guardian, vào ngày 24/4 (giờ Mỹ), Thống đốc bang California Gavin Newsom tuyên bố rằng "California đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới", dẫn dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Cơ quan Phân tích kinh tế Mỹ (BEA), chứng minh GDP danh nghĩa của California đã vượt qua Nhật Bản.
Theo Viện Tài chính doanh nghiệp quốc tế (CFI), GDP (danh nghĩa) là tổng giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nền kinh tế của một quốc gia ở một khoảng thời gian nhất định.
Trên thực tế, theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), GDP danh nghĩa của bang California đạt 4.100 tỷ USD, vượt mức 4.020 tỷ USD của Nhật Bản. Hiện nay, GDP của California chỉ xếp sau Mỹ (29.180 tỷ USD), Trung Quốc (18.740 tỷ USD) và Đức (4.650 tỷ USD). Theo dữ liệu từ IMF, bang California của Mỹ đã nhanh chóng vượt qua các nền kinh tế hàng đầu thế giới, với tốc độ tăng trưởng vào năm 2024 đạt 6%, so với 5,4% của nước Mỹ, 2,6% của Trung Quốc và 2,9% của Đức.

California hiện xếp hạng thứ tư trong số những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ảnh: Governor Gavin Newsom
Thống đốc bang California Gavin Newsom cho biết trong tuyên bố: "California đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. California không chỉ theo kịp thế giới mà chúng tôi còn đang dẫn nhịp phát triển. Thành quả của nền kinh tế California đến từ đầu tư con người, ưu tiên tính bền vững và niềm tin vào sức mạnh của đổi mới".
Với dân số gần 40 triệu người, California được coi một trong những bang đầu tàu kinh tế Mỹ, đồng thời là thủ phủ ngành công nghệ, giải trí và du lịch. Hơn nữa, đây cũng là bang có sản lượng nông nghiệp lớn nhất cả nước và là trung tâm sản xuất của Mỹ, với 36.000 công ty sản xuất tuyển dụng hơn 1,1 triệu cư dân California.
Chính sách thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng lớn tới California?

Thống đốc California Gavin Newsom phát biểu trong một sự kiện vào cuối năm 2024. Ảnh: Reuters
Thống đốc bang California lưu ý rằng, các chính sách mới của chính quyền Trump đang "gây nguy hiểm đến lợi ích kinh tế của California".
"Nền kinh tế California đang thúc đẩy lợi ích quốc gia và cần được bảo vệ", ông Gavin Newsom nhấn mạnh trong tuyên bố.
Vào đầu tháng 4, California cũng là bang đầu tiên kiện chính phủ liên bang về chính sách thuế quan.
Trước đó, trong họp báo công bố vụ kiện, ông Gavin Newsom nhấn mạnh: "Không có bang nào đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn hơn California. Đây là thời điểm căng thẳng, cần tỉnh táo. Sẽ là nói dối nếu như tôi cho rằng điều này có thể nhanh chóng đảo ngược".
Ông Gavin Newsom viết trên trang web của Văn phòng Thống đốc rằng: "Vụ kiện này nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn thuế quan của Tổng thống Trump, vốn đã tàn phá nền kinh tế, làm mất ổn định thị trường chứng khoán và trái phiếu, gây ra hàng trăm tỷ USD thua lỗ và chi phí cao hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp".
Theo ông Gavin Newsom, những tác hại này sẽ chỉ tiếp tục gia tăng, vì thuế quan của Tổng thống Trump dự kiến sẽ làm giảm 100 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ.
Trên thực tế, California là một trong những bang đầu tàu kinh tế Mỹ, khi đóng góp cho ngân sách liên bang nhiều hơn khoản nhận lại tới 83 tỷ USD. Dân số bang California tăng trong những năm gần đây, mặc dù tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ nghiêm trọng đang góp phần gây ra khủng hoảng vô gia cư.

Ở Mỹ, những lá phiếu đại cử tri sẽ trực tiếp bầu ra Tổng thống Mỹ. Ảnh: FITCH SOLUTIONS
Trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, bang chiến địa là thuật ngữ được dùng để chỉ những bang có số phiếu đại cử tri lớn và không có sự ủng hộ rõ ràng cho một đảng phái cụ thể trong các cuộc bầu cử. California là bang đông dân nhất ước Mỹ, có 54 phiếu đại cử tri. Với dân số hơn 39,5 triệu người (theo điều tra dân số năm 2020), cứ mỗi 732.189 cư dân California sẽ có một phiếu đại cử tri.
(The Guardian, Reuters, IMF)