![]() |
Lộ trình của xuồng từ Đài Loan (Trung Quốc) đến đảo Yonaguni (Nhật Bản) |
Khi đang làm việc tại một địa điểm khảo cổ trên quần đảo Okinawa của Nhật Bản, Tiến sĩ Yousuke Kaifu bỗng nảy ra một câu hỏi. Những mảnh vỡ được khai quật chứng minh rằng con người đã sống tại đây 30.000 năm trước. Họ đến từ phía bắc và phía nam, thế nhưng họ đã đến đây bằng cách nào?
“Có những công cụ bằng đá và di tích khảo cổ tại địa điểm này, nhưng chúng không trả lời được câu hỏi đó”, ông Kaifu, một nhà nhân chủng học tiến hóa tại Đại học Tokyo, cho biết. Vào thời kỳ đồ đá cũ, công nghệ còn rất thô sơ. “Tôi nghĩ việc họ đến được những hòn đảo là một kỳ tích lớn. Tôi muốn tự mình trải nghiệm điều đó”.
Vì vậy, ông Kaifu đã vẽ ra một hành trình đầy tham vọng, trong đó một nhóm các nhà nghiên cứu sẽ hoàn thành chuyến đi dài 225 km từ Đài Loan đến đảo Yonaguni của Nhật Bản trong một chiếc xuồng gỗ. Yonaguni là đảo gần nhất trong quần đảo Ryukyu, nhưng nó lại nằm trên một trong những dòng hải lưu mạnh nhất thế giới.
Trước hết, nhóm của ông Kaifu cần một chiếc thuyền. Mọi tàu thuyền của những người du hành thời cổ đại đều đã biến mất từ lâu. Nhóm quyết định sử dụng các kỹ thuật truyền thống để đóng bè bằng tre và sậy, nhưng chúng không thể chống lại dòng hải lưu Kuroshio, dòng hải lưu thậm chí còn mạnh hơn vào thời đồ đá cũ.
Cuối cùng, nhóm đóng một chiếc xuồng độc mộc bằng gỗ tuyết tùng Nhật Bản, và ra khơi từ vịnh Wushibi trên bờ biển phía đông Đài Loan. Điều quan trọng là nếu đứng trên những ngọn núi gần đó, đảo Yonaguni có thể xuất hiện ở đường chân trời. Các nhà nghiên cứu tin rằng có khả năng những người di cư đầu tiên đã nhìn thấy nó, và họ hiểu rõ về dòng hải lưu Kuroshio từ các chuyến đánh cá.
Nhóm năm người bao gồm những người chèo thuyền chuyên nghiệp và các nhà khoa học, nhưng không ai từng thực hiện một chuyến đi như vậy. Ông Kaifu nhớ lại ngày họ lên đường, thời tiết không tốt, biển động và mây che khuất các vì sao mà họ cần để tìm đường. Thay vào đó, họ phải dựa vào một kỹ thuật cổ xưa khác, đó là theo dõi hướng của sóng để giữ cho lộ trình của họ ổn định.
Trong 45 giờ, họ chèo thuyền, chịu đựng những cơn đau nhức cơ bắp, mệt mỏi, chuột rút và thậm chí là ảo giác. “Bao quanh bởi biển, mây và bầu trời, họ không chắc chắn về vị trí của mình”, nhật ký hành trình ghi chú.
Hiện vẫn còn nhiều điều chưa biết về cuộc di cư sớm của con người. Người ta tin rằng con người hiện đại - loài Homo sapiens - đã lan rộng khắp thế giới với các hành trình vượt biển xảy ra ít nhất 50.000 năm trước. Một nghiên cứu năm 2017 ở Úc phát hiện ra rằng nó thậm chí có thể bắt đầu sớm hơn khoảng 15.000 đến 30.000 năm.