Nhiều học sinh vừa vào tiểu học đã kín lịch học chính khóa, học thêm từ sáng đến tối, thậm chí các em phải vừa ăn, vừa di chuyển để kịp giờ vào ca học tiếp theo.
Học sinh mệt phờ
Hồi tháng 6, chị Trịnh Thu Minh (31 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) có con chuẩn bị vào lớp 1, được giới thiệu "làm quen" với cô giáo có tiếng dạy giỏi ở một trường tiểu học trên địa bàn. Sau những lần trao đổi, chị được "gợi ý" thêm, muốn cho con học tốt thì hãy đi học thêm ở nhà cô.
" Lúc này chưa bắt đầu năm học mới, tôi cũng khá sốt ruột vì không biết con có theo nổi lịch học kín mít của cô giáo hay không. Theo lời cô, nếu không kèm cặp sát sao con sẽ mất gốc, không thể theo kịp bài vở, kết quả tệ phụ huynh đừng trách cô" , chị kể và cho biết thêm, sau đó mỗi tuần 3 buổi, chị đều đặn chở con đến nhà cô để học thêm.
Chi phí mỗi buổi học khoảng 120.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng chị chi khoảng 1,4 triệu đồng cho chuyện học thêm của con. Chị đánh giá, với thời lượng 2 tiếng, mức giá này không phải rẻ nhưng lớp vẫn thu hút rất nhiều phụ huynh đăng ký.
Căn phòng rộng chừng hơn 25m2, kê 12 bộ bàn ghế đơn. Cô giáo không dạy thêm ở nhà mà thuê một địa điểm cách nhà chừng 1km. " Con được học viết, tập đánh vần, làm toán... Tuy nhiên, con thường quên nhanh và than đi học thêm rất chán. Dù thương con nhưng tôi vẫn động viên con cố gắng để không bị thua kém bạn bè ", phụ huynh nói.
Mặt khác, chị Minh cho rằng, chương trình học lớp 1 hiện tại có tốc độ khá nhanh, nếu phụ huynh không cho con học thêm thì lo lắng con không bắt kịp.
17h chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có mặt ở cổng trường đón con. Cho con ăn tạm bánh mì, bánh bao rồi chị lại đưa con "chạy show" đến trung tâm học thêm. Nhìn đứa con lớp 2 vừa đi vừa ăn trong nóng nực, khói bụi và tắc đường, người mẹ không khỏi xót xa.
Con học tại trung tâm từ 6h - 8h tối, mỗi tuần 3 buổi, dạy 2 môn Toán và Văn, những buổi còn lại con học thêm tiếng Anh tại nhà. Tranh thủ thời gian con học thêm, chị chạy về nhà, phụ chồng cơm nước. Từ lúc con vào năm học mới, nhà chị thường xuyên ngồi vào bàn ăn sau 21h.
Hơn 20h, học sinh túa ra từ lớp học thêm với vẻ mặt phờ phạc, mệt mỏi, con ngõ nhỏ lại ồn ào tiếng người, tiếng xe. Nhiều em bé tiểu học lấy tay che miệng ngáp ngắn ngáp dài, phía trước phụ huynh đang thúc giục con bám chặt vào. Chừng 10 phút sau, khi những chiếc xe nổ máy lao đi, mọi thứ lại trở về yên ắng hơn đôi chút.
Dù biết con học thêm với lịch kín mít nhưng chị sốt ruột khi các bạn xung quanh con cũng tham gia các lớp học này. "Tôi cũng nhận thấy sự mệt mỏi của trẻ khi một số hôm phải học liên tục từ sáng trên trường đến 8h tối, chưa kể về nhà vẫn còn bài phải ôn, chuẩn bị sách vở cho ngày mai. Vậy nhưng không học thì lo lắm. Tôi vừa cho con nghỉ lớp học đàn để tập trung cho các môn chính thôi" , chị Hà chia sẻ.
Mặc dù không bị ép nhưng giáo viên tổ chức lớp dạy thêm, không cho con tham gia chị cũng đắn đo, sợ con bị trù dập, làm khó ở trường.
Mỗi tháng chị bỏ ra hơn 3 triệu đồng tiền học thêm. Chưa kể những khoản phí phát sinh khác. Dù nặng gánh tài chính nhưng chị không thể bảo con ngừng đi học thêm. Ở khía cạnh nào đó, việc này cũng giúp con tạo mối quan hệ với cô giáo, ở lớp con cũng được quan tâm hơn.
Cấm dạy thêm nhưng sao vẫn nở rộ
Liên quan tới câu chuyện dạy thêm, học thêm, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, lâu nay người ta chỉ nhìn nhận vấn đề này ở góc độ thầy lôi kéo học trò đi học thêm bởi đồng lương thấp, đời sống khó khăn, nhưng bây giờ cần có cái nhìn tổng thể hơn.
"Thực tế cho thấy chương trình học quá nặng, nhiều bài khó. Phụ huynh không thể chỉ bài cho con ở nhà nên đành cho con đi học thêm", TS Khuyến nói.
Để dẹp đi nạn dạy thê, nhiều địa phương ban hành lệnh cấm dạy thêm , học thêm. Trong đó, An Giang yêu cầu hiệu trưởng các trường tiểu học tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở triển khai lại các nội dung quy định trước đó cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và người dân trên địa bàn biết, thực hiện đúng quy định.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về hoạt động nuôi giữ, chăm sóc học sinh ngoài giờ học chính khóa; không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.
Nam Định quy định các cơ sở giáo dục và giáo viên không được dùng bất cứ hình thức nào để ép học sinh học thêm. Hiệu trưởng các nhà trường có trách nhiệm quản lý, tổ chức và nâng cao chất lượng việc dạy và học chính khóa; tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
Phú Thọ cũng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm, trong đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức.