Tại Hội nghị Đại biểu người lao động và Triển khai nhiệm vụ năm 2025, CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco - Mã: VOS) cho biếtnăm 2024, công ty ghi nhận sản lượng vận chuyển đạt 6,5 triệu tấn, vượt 13% kế hoạch.
Tổng doanh thu năm qua ước đạt 6.033 tỷ đồng, vượt 147% mục tiêu năm và tăng 89% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 416 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2023 và vượt 29% chỉ tiêu năm.
Tính riêng quý IV/2024, Vosco đạt 1.794 tỷ đồng doanh thu, tăng 97% so với cùng kỳ 2023 song lợi nhuận trước thuế giảm 98% còn 3 tỷ đồng. Trong quý III năm ngoái, Vosco báo lỗ 14 tỷ song công ty báo lãi lớn cả năm nhờ khoản lãi đột biến từ bán tàu trong quý II.
Năm 2024, doanh nghiệp đã đầu tư mua 2 tàu hàng rời cỡ Supramax là Vosco Starlight và Vosco Stellar, giúp tăng năng lực vận chuyển.
Dự báo năm 2025, thị trường vận tải biển còn tiếp tục phải đối mặt với nhiều diễn biến khó lường, Vosco đặt kế hoạch sản lượng vận chuyển là 7 triệu tấn; tổng doanh thu 5.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 376 tỷ đồng, giảm lần lượt 12% và 10% so với ước tính năm 2024.
Doanh nghiệp cho biết nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với công ty hiện nay là tiếp tục đầu tư, phát triển đội tàu. Công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm để đầu tư hoặc thuê thêm tàu bằng nhiều hình thức phù hợp, trong đó tập trung vào tàu hàng rời cỡ Supramax, Ultramax, tàu dầu sản phẩm cỡ MR, tàu hóa chất và tàu container.
Tháng 11/2024, cổ đông của Vosco đã thông qua việc bổ sung kế hoạch đầu tư tàu năm 2024 với số lượng 10 tàu.
Trong đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư mua 2 tàu hàng rời cỡ Supramax, trọng tải 56.000 - 58.000 DWT đã qua sử dụng dưới 15 tuổi với giá mua tối đa 23 triệu USD/tàu.
Đầu tư đóng mới 4 tàu cỡ Ultramax, trọng tải 62.000 - 66.000 DWT với giá tối đa 40 triệu USD/tàu. Đầu tư đóng mới 4 tàu dầu sản phẩm cỡ MR, trọng tải khoảng 50.000 DWT với giá tối đa 52 triệu USD/tàu.
Tổng số tiền dự chi tối đa để mua 10 tàu đóng tại Nhật Bản/ Trung Quốc/ Hàn Quốc/ Việt Nam khoảng 414 triệu USD.