Chứng khoán

Vỡ mộng với “siêu cổ phiếu" DIG, CEO, L14: Thị giá bay 80-90% sau thời gian ngắn, loạt lãnh đạo bị "call margin"

Hai năm thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang là điều gì đó khiến nhiều nhà đầu tư nuối tiếc. Sự bùng nổ của hàng loạt cổ phiếu, thị giá tăng bằng lần chỉ trong thời gian ngắn. Trong đó không thể không nhắc tới “cơn sốt” nhà đất kéo theo đợt sóng tại nhóm cổ phiếu bất động sản, tiêu biểu với ba “siêu cổ phiếu” DIG của DIC Corp, CEO của C.E.O Group và L14 của Licogi 14.

Bộ ba đình đám này vào giai đoạn cuối năm 2021 luôn được bàn tán rôm rả trên khắp các diễn đàn về chứng khoán. Không hiếm hội nhóm và nhà đầu tư hô hào mua vào những cổ phiếu trên với kỳ vọng vượt trội so với giá trị doanh nghiệp, mơ về những mức giá không tưởng. Nhân vật được chú ý khi ấy là ông Nguyễn Mạnh Tuấn (hay còn được biết đến với cái tên A7), vị này thường xuyên chia sẻ, phân tích về việc đầu tư vào các cổ phiếu bất động sản, từng tuyên bố trên mạng xã hội rằng: "Cổ phiếu bất động sản tốt như DIG hay CEO, nó phải 500.000 đồng/cp vẫn là “giẻ rách"".

Theo lời vẫy gọi, hàng loạt nhà đầu tư “chân ướt chân ráo” vào thị trường nhưng ham hố có lời nhanh đã đổ xô đi mua các cổ phiếu này, mặc kệ đánh giá của giới chuyên môn rằng đà tăng không phản ánh giá trị cơ bản hay mức định giá thấp hơn rất nhiều so với thị giá khi đó.

Nhờ hiệu ứng FOMO, thị giá DIG tăng gấp 4 lần sau 5 tháng, có thời điểm vượt ngưỡng ba chữ số. CEO thậm chí còn tăng tới 7 lần chỉ trong 2 tháng trong khi L14 tăng hơn 5 lần trong khoảng quý 4 năm 2021. Chính sự gia nhập mạnh mẽ của dòng tiền rẻ thậm chí khiến ĐHĐCĐ của DIG hay CEO gặp khó trong khâu tổ chức vì quá đông cổ đông tới tham dự, cổ đông ngồi tràn ra hành lang phòng họp vì không đủ hội trường.

Vỡ mộng với “siêu cổ phiếu DIG, CEO, L14: Thị giá bay 80-90% sau thời gian ngắn, loạt lãnh đạo bị call margin - Ảnh 1.

Từ vùng giá 20.000 đồng, DIG tăng phi mã lên đỉnh sát ngưỡng 100.000 đồng/cp (giá sau điều chỉnh),

Tuy nhiên, niềm vui chẳng được tày gang khi con sóng đất nhanh chóng rút đi, kéo theo đó là các cổ phiếu này giảm mạnh. Rồi liên tục những thông tin tiêu cực từ cú “sập hầm” đấu giá đất Thủ Thiêm tới những động thái thanh lọc thị trường chứng khoán, trái phiếu hay thắt chặt tín dụng bất động sản khiến bối cảnh ngành bất động sản khó khăn, thị giá cổ phiếu rơi hàng chục phần trăm từ đỉnh, trôi dần về đáy hàng chục tháng.

Vỡ mộng với “siêu cổ phiếu DIG, CEO, L14: Thị giá bay 80-90% sau thời gian ngắn, loạt lãnh đạo bị call margin - Ảnh 2.

Từng có thời điểm là cổ phiếu “đắt đỏ” nhất sàn chứng khoán, L14 hiện rơi không phanh còn chưa tới 1/10 mức đỉnh

Cho tới hiện tại, giá cổ phiếu DIG và CEO từ vùng đỉnh 9x.000 đồng/cp đã rơi xuống giao dịch tại vùng giá 1x.000 đồng/cp; trong khi L14 cũng “bốc hơi” 91% sau gần 10 tháng. Vốn hóa thị trường cũng theo đó bị thổi bay hàng chục nghìn tỷ. Thành quả tăng giá của con sóng đầu cơ trước đó cũng gần như triệt tiêu toàn bộ.

Vỡ mộng với “siêu cổ phiếu DIG, CEO, L14: Thị giá bay 80-90% sau thời gian ngắn, loạt lãnh đạo bị call margin - Ảnh 3.

Cổ phiếu CEO sụt mạnh hơn 80% so với đỉnh hồi đầu năm

Cổ phiếu lao dốc sau thời gian tăng nóng khiến cổ đông cũng dần thoái trào và dường như không còn “mặn mà” với những kế hoạch của công ty. Điển hình như DIG không thể tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 1 do không đủ số lượng cổ đông tham dự và phải tới giữa tháng 10 vừa qua mới có thể tiến hành. Kế hoạch tăng vốn thông qua chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng phải điều chỉnh giảm giá chào bán xuống còn 15.000 đồng, thấp hơn 25% so với tờ trình ĐHĐCĐ bất thường lần 1 (20.000 đồng/CP) và chỉ bằng một nửa so với kế hoạch thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.

Ngay cả C.E.O Group cũng lâm vào tình cảnh không mấy tích cực khi kế hoạch phát hành 257 triệu cổ phiếu bao gồm hơn 5,1 triệu cổ phiếu ESOP và hơn 252 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu cũng bị lùi thời gian thực hiện. Cụ thể do thời gian dự kiến được chấp thuận vào quý 4/2022 nên lịch thực hiện sẽ được lùi từ quý 3-4/2022 sang quý 1-2/2023.

Còn với L14, cổ phiếu này bị HNX đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) từ ngày 19/8 do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 trên BCTC bán niên soát xét là số âm.

Loạt cổ đông tháo chạy, thậm chí lãnh đạo bị “call marin”

Bối cảnh giá cổ phiếu giảm mạnh còn khiến nhiều cổ đông tháo chạy khỏi những doanh nghiệp này. Diễn biến mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân – tổ chức có liên quan đến Chủ tịch HĐQT DIG Nguyễn Thiện Tuấn đã bán ra gần 3,4 triệu cổ phiếu DIG, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 15,46% vốn điều lệ trong phiên 11/10.

Tình hình còn thê thảm hơn khi Chủ tịch Tuấn cùng ông Nguyễn Hùng Cường – Phó Chủ tịch HĐQT DIG và Đầu tư Phát triển Thiên Tân bị công ty chứng khoán bán giải chấp tổng cộng gần 9 triệu cổ phiếu DIG từ 27/10 đến 1/11. Đáng chú ý, trước khi bị “call margin”, trong phiên họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 12/10, ông Tuấn đã có những chia sẻ về sự bất ngờ khi giá cổ phiếu DIG liên tục giảm. Ông cũng khẳng định nếu giá cổ phiếu DIG sau ngày 30/10 vẫn dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, bản thân ông sẽ đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, khi còn chưa kịp thực hiện lời hứa đăng ký mua vào, ông Tuấn đã bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu.

Tại L14, hồi tháng 4, ông Nguyễn Mạnh Tuấn (A7) đã bị CTCK bán giải chấp 200 cổ phiếu L14. Mới nhất, chị gái ông Tuấn là bà Nguyễn Thuý Ngư cũng đăng ký bán hơn 705 nghìn cổ phiếu L14 đang sở hữu trong tháng 11 để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân, qua đó giảm lượng cổ phiếu nắm giữ xuống còn 829 nghìn cổ phiếu, tương đương 2,69% vốn.

Những khoản thua lỗ xuất hiện

Tình hình kinh doanh của những doanh nghiệp này cũng không mấy khả quan. DIC Corp đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với việci doanh thu thuần sụt giảm 21% so với cùng kỳ xuống còn 424 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm gần 1 tỷ đồng và đánh dấu quý đầu tiên lỗ kể từ quý 1/2017; cùng kỳ năm 2021 vẫn đang lãi tới 42 tỷ đồng.

Trước đó, ông Nguyễn Thiện Tuấn từng khẳng định tại ĐHĐCĐ bất thường rằng DIC Corp sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022. Tương ứng, lợi nhuận trước thuế quý 4 phải đạt tối thiểu 1.700 tỷ đồng . “DIC Corp sẽ tính toán chuyển nhượng một loạt tài sản kinh doanh không hiệu quả. Khoản thu về tương đối lớn, hy vọng trong mấy tháng còn lại trong quý 4 sẽ cố đạt kế hoạch đề ra” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Vỡ mộng với “siêu cổ phiếu DIG, CEO, L14: Thị giá bay 80-90% sau thời gian ngắn, loạt lãnh đạo bị call margin - Ảnh 4.

Trong khi đó, dù doanh thu thuần gấp đôi cùng kỳ, nhưng doanh thu hoạt động tài chính giảm 46% cộng thêm chi phí tài chính tăng cao (chủ yếu là dự phòng đầu tư chứng khoán) khiến L14 ghi nhận lỗ ròng gần 16 tỷ đồng vào quý 3 vừa qua, trong khi cùng kỳ vẫn lãi hơn 39 tỷ đồng. Quý 2 trước đó L14 cũng vừa báo lỗ kỷ lục 238 tỷ đồng.

Hồi năm 2021, doanh nghiệp này từng gây sốc khi lãi kỷ lục hàng trăm tỷ nhờ 2 cổ phiếu DIG và CEO tuy nhiên tới cuối quý 3/2022, danh mục chứng khoán kinh doanh của Licogi 14 đang phải trích lập dự phòng giảm giá 68,7 tỷ đồng tương đương danh mục tạm lỗ 65%.

Vỡ mộng với “siêu cổ phiếu DIG, CEO, L14: Thị giá bay 80-90% sau thời gian ngắn, loạt lãnh đạo bị call margin - Ảnh 5.

Tại C.E.O Group, kết quả có phần tích cực hơn đôi chút khi doanh thu thuần đạt 334 tỷ đồng, tăng 2,7 lần cùng kỳ. Kết quả, CEO báo lãi sau thuế 41 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 58 tỷ đồng. Song với với kế hoạch lợi nhuận cả năm thì CEO mới chỉ hoàn thành 37% mục tiêu đề ra sau 9 tháng.

Vỡ mộng với “siêu cổ phiếu DIG, CEO, L14: Thị giá bay 80-90% sau thời gian ngắn, loạt lãnh đạo bị call margin - Ảnh 6.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm