Tiền bạc luôn là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống, từ những chi phí sinh hoạt cơ bản hằng ngày cho đến những chuyến đi du lịch nghỉ ngơi hay những dự định cho tương lai như xây nhà, sinh con. Tuy nhiên, đối với những cặp đôi, để ngồi xuống và thảo luận nghiêm túc về vấn đề tài chính không phải là việc đơn giản.
Đối với nhiều người, thật khó xử khi nhắc đến tiền nong. Dù là những cặp vợ chồng vốn đã thường thảo luận về tài chính gia đình, thì khi nhắc đến tiền, hóa đơn, người ta vẫn có thể xảy ra bất đồng.
Gen Z, được biết đến là một thế hệ có tư tưởng tiến bộ khi được sinh ra trong thời đại dồi dào nguồn lực công nghệ, họ có sẵn nguồn tài nguyên trong tay và kế thừa được kiến thức tài chính của thế hệ trước. Thế nhưng, trong một nghiên cứu về kiến thức tài chính của viện TIAA và trường đại học George Washington University School of Business, Gen Z đạt số điểm thấp nhất về mức độ hiểu biết tài chính.
Theo nghiên cứu trên trang ACI Worldwide tại Hoa Kỳ, 30% Gen Z tại Mỹ không có nhiều hiểu biết về hoá đơn so với mức trung bình 22% của người Mỹ ở mọi lứa tuổi. Thế nhưng, tin mừng là Gen Z còn rất nhiều thời gian ở phía trước để trau dồi năng lực kiểm soát tài chính.
Theo Gen Z, ai là người nên chi trả hoá đơn?
Về vấn đề chi trả hoá đơn, một cuộc thăm dò của Newsweek cho thấy những người thuộc Gen Z tin rằng người có thu nhập cao hơn trong gia đình nên thanh toán phần lớn các hóa đơn.
Cách cân đối và phân chia chi tiêu trong gia đình giữa các cặp vợ chồng luôn là vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt khi có sự chênh lệch về thu nhập. Ví dụ, người ta thường có xu hướng ủng hộ người vợ khi cô yêu cầu chồng trả tất cả các hóa đơn chỉ vì anh kiếm được nhiều hơn gấp đôi tiền lương hàng tháng của cô.
Trong một cuộc thăm dò của Redfield & Wilton Strategies đối với 1.500 người trưởng thành ở Hoa Kỳ về cách phân chia các khoản chi phí giữa các cặp vợ chồng, những người nghiên cứu nhận thấy có sự khác biệt lớn về nhận thức giữa các thế hệ.
Trong nhóm tuổi 18-24 (thuộc thế hệ Z), 40% tin rằng các cặp vợ chồng nên phân chia việc chi trả chia hóa đơn dựa trên thu nhập của họ, 31% cho rằng nên chia đều 50:50 và 20% cho rằng việc phân chia tuỳ thuộc vào mỗi gia đình.
Nhưng các thế hệ khác không cho là vậy. Trên thực tế, với người càng lớn tuổi, họ càng cho rằng việc chi trả hóa đơn phải được phân chia bình đẳng hoặc phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh của cặp vợ chồng. Không nhiều người trong độ tuổi 25-34 (Gen Y) chọn cách phân chia dựa trên thu nhập, chỉ có 30% ủng hộ cách phân chia này.
Ngay cả với các cặp vợ chồng phân chia các khoản chi đồng đều, đôi lúc giữa họ vẫn có những tranh cãi. Theo Newsweek, một người đàn ông đã bị cộng đồng mạng chỉ trích vì từ chối trả tiền học phí nhà trẻ hoặc tiền quần áo cho con của anh ta, do anh với vợ đã thỏa thuận sẽ chi tiền đồng đều từ trước.
Cách phân chia các khoản chi tiêu của các cặp vợ chồng
Polly Arrowsmith, một chuyên gia tài chính 55 tuổi ở London, chuyên giảng dạy kiến thức về đầu tư cho phụ nữ, trả lời Newsweek: “Tiền bạc là nguyên nhân chủ yếu khiến các mối quan hệ tan vỡ. Nếu mọi người có thu nhập tương đương nhau thì việc chia đều 50/50 các khoản chi là hợp lý”.
Đối với một số người, việc chia đều các khoản chi có thể hiệu quả, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Thu nhập giữa các cặp vợ chồng hiếm khi đồng đều và mọi thứ trở nên đặc biệt phức tạp khi tính đến các yếu tố như khoảng cách về lương theo giới tính hay trách nhiệm việc nhà - ví dụ ai là người dành thời gian chăm con, làm nội trợ.
Trong trường hợp thu nhập giữa vợ và chồng chênh lệch nhau, Arrowsmith cho biết: “Các khoản chi phí chung nên được phân chia theo tỷ lệ dựa trên thu nhập. Điều quan trọng là cả hai bên đều đồng ý về sự phân chia công bằng và phù hợp với họ. Nếu không rất dễ gây nên những mâu thuẫn không đáng có”.
Tất nhiên, một số người cũng tìm ra những cách khác nhau để giải quyết vấn đề tài chính của họ trong gia đình, Arrowsmith bổ sung thêm: “Một số người tôi biết chia đều hóa đơn 50/50 và người có tài chính tốt hơn có thể trả tiền cho các hoạt động giải trí và các ngày nghỉ. Điều đó phù hợp với họ”.
Mặc dù quan niệm về tiền bạc của các cặp vợ chồng Gen Z khác trước khá nhiều, nhưng họ vẫn rất linh hoạt trong các hình thức chia hóa đơn.
Tiền bạc không còn là vấn đề khó nói với Gen Z
Rõ ràng là thế hệ trẻ đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến tài chính ngày càng tăng. Với chi phí thuê nhà đắt đỏ, lạm phát tăng cao và thất nghiệp tràn lan, Gen Z đang phải vật lộn để có chỗ đứng trong thị trường việc làm và phải thay đổi công việc thường xuyên so với những người lớn tuổi hơn.
Nhưng Arrowsmith nhận thấy thái độ của Gen Z đối với tài chính là một dấu hiệu tích cực. Tiền bạc không còn là vấn để khó nói với họ. “Ngày xưa khi tôi còn trẻ, người ta kỵ việc hỏi về thu nhập hoặc những khoản tiết kiệm của người khác. Với Gen Z thì giờ mọi thứ đã thay đổi. Đây là một dấu hiệu rất tích cực”, Arrowsmith nhận định.
Khi người trẻ ngày càng hiểu rõ hơn về bối cảnh tài chính năm 2023, nhiều người chọn cách chi tiêu khác với thế hệ đi trước. Arrowsmith kết luận: “Nhiều người trẻ tuổi nhận ra rằng họ có thể không bao giờ sở hữu được tài sản nào đó của riêng mình, vì vậy họ có xu hướng tìm kiếm trải nghiệm nhiều hơn”.