Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VNDirect dự phóng rằng lợi nhuận ròng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) sẽ đạt mức tăng trưởng kép 13,3% trong giai đoạn 2023 - 2025.
Lợi nhuận trước thuế các năm 2023, 2024, 2025 của ngân hàng được dự báo lần lượt ở mức 43.373 tỷ đồng, 49.032 tỷ đồng và 53.106 tỷ đồng.
Trong đó, bộ đệm dự phòng vững chắc là động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng. Vietcombank được đánh giá là đã thành công trong việc quản lý chất lượng dư nợ, kể cả trong tình hình vĩ mô khó khăn hiện tại.
Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank được duy trì ở mức thấp 0,8% vào cuối quý I/2023 trong khi tổng nợ xấu của 25 ngân hàngniêm yết lớn nhất tăng từ 1,4% tại cuối quý I/2022lên 1,9%.Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đi ngược dòng khi tăng lên 321% từ mức 317% cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, chuyên gia phân tích cho rằng việc Thông tư 02 mới được ban hành về việc tái cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ giúp làm giảm áp lực dự phòng cho các ngân hàng trong đó có Vietcombank. Các ngân hàng có thể sắp xếp chi phí dự phòng của mình trong thời hạn hai năm hiệu lực (2023 & 2024).
Trong quý I, CIR của Vietcombank tăng nhẹ lên 28,5% từ 27% trong quý I/2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình ngành (33%).
Tăng trưởng tín dụng trong quý I của Vietcombank đạt mức 2,5% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,1% trong cùng kỳ năm trước nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng 2,1% của cả ngành.
Theo các chuyên gia, xu hướng này được tạo bởi doanh nghiệp đang trong tình thế cần thanh khoản để tiếp tục duy trì vốn lưu động và tái cấp tài chính.Trong khi đó, lãi cho vay neo tại thời điểm hiện tại vẫn chưa đủ hấp dẫn khách hàng cá nhân mở khoản vay, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại.
VNDirect điều chỉnh tăng trưởng tín dụng 2023 của Vietcombank từ 12% trong dự báo lần trước về 10% để phản ánh nhu cầu tín dụng suy yếu.
Cùng với tăng trưởng tín dụng thấp, NIM của ngân hàng cũng suy giảm so với cùng kỳ chủ yếu do các chính sách hỗ trợ lãi vay. Theo đó, NIM đã giảm 22 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống 3,2% trong quý I/2023. Chi phí tín dụng của Vietcombank tăng 1,1% so với cùng kỳ dưới áp lực môi trường lãi suất tăng trong khi đó lợi suất tài sản chỉ tăng 0,7%.
Dự phóng cho năm 2023, các chuyên gia VNDirect kỳ vọng ngân hàng có thể duy trì NIM ở mức hiện tại nhờ ba yếu tố.
Thứ nhất, các lần giảm lãi suất điều hành trong tháng gần đây của NHNN. Thứ hai là do tỷ trọng cao hơn từ tiền gửi liên ngân hàng trong cơ cấu vốn và cuối cùng là giảm áp lực căng thẳng LDR nhờ điều chỉnh cách tính từ Thông tư 26/2022 giúp làm giảm chi phí vốn, giảm bớt tácđộng từ việc giảm lãi cho vay để hỗ trợ khách hàng khó khăn.