Thời sự

VinaCapital: Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ gây áp lực lên giá lương thực và năng lượng ở Việt Nam

Trong báo cáo mới công bố, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital cho biết quỹ này kỳ vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 2% vào năm tới do lượng khách du lịch Trung Quốc trở lại vào nửa cuối năm 2023.

VinaCapital cũng dự đoán Trung Quốc mở cửa trở lại trong năm tới sẽ chỉ tác động đến lạm phát ở mức thấp và lưu ý rằng lạm phát của thế giới đã đạt đến đỉnh điểm và hiện đang giảm dần. 

"Việc Trung Quốc mở cửa có khả năng gây áp lực lên lạm phát ở Việt Nam, nhưng tác động này có thể được giảm thiểu bởi một số yếu tố, bao gồm thời gian mở cửa trở lại muộn hơn so với Mỹ và Châu Âu, và Trung Quốc có ít “khoản tiết kiệm trong dân” hơn so với Mỹ và EU", ông Michael Kokalari nhận định.

Đề cập đến tác động tức thời, các chuyên gia tại đây cho hay việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ mang đến sự cải thiện về tâm lý đối với VND.   

VND tăng giá hơn 5% trong tuần cuối cùng của tháng 11 và tuần đầu tiên của tháng 12 (cùng khoảng thời gian Trung Quốc thay đổi chính sách Zero COVID vào ngày 7/12) vì đồng tiền Trung Quốc tăng giá khoảng 5% trong hai tuần đó.

VND đã giảm giá tới 9% so với đầu năm vào giữa tháng 11 do USD tăng giá mạnh trong năm nay. Vì vậy, sự sụt giảm vừa phải của USD gần đây cũng giúp giảm bớt áp lực mất giá đối với VND, nhưng sự gia tăng giá trị của NDT là yếu tố chính thúc đẩy VND phục hồi như biểu đồ dưới đây. 

 Nguồn: VinaCapital.

Cần lưu ý thêm rằng, giá trị của USD/Chỉ số DXY về cơ bản không thay đổi trong hai tuần nêu trên, trong cùng thời gian đó đã xuất hiện một số tin tức khá tiêu cực về cán cân thương mại và cán cân thanh toán của Việt Nam. Cả hai đều cho thấy rõ chính sự tăng giá của NDT đã khiến VND tăng giá.

Dưới góc độ kinh tế, VinaCapital cho biết chưa rõ vì sao sự tăng giá gần đây của NDT đã thúc đẩy sự tăng giá của VND; Việt Nam có thâm hụt thương mại khoảng 17%/GDP với Trung Quốc và sự tăng giá của NDT so với VND làm thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn.

Vì vậy, tâm lý thị trường thường lấn át các yếu tố kinh tế trên thị trường ngoại hối và tâm lý tích cực khi Trung Quốc mở cửa trở lại đã dẫn đến sự tăng giá mạnh của NDT và VND. Điều ngược lại xảy ra vào tháng 8/2015, khi NDT đột ngột giảm 3%, VND cũng giảm 3% ngay lập tức, mặc dù Việt Nam được hưởng lợi từ sự mất giá của đồng tiền Trung Quốc.   

Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ chỉ tác động khiêm tốn đến tăng trưởng GDP của Việt Nam

Ảnh minh họa: CNN.

Phân tích chi tiết về tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhưng mức độ tiếp xúc của Việt Nam đối với nền kinh tế nội địa của Trung Quốc khá khiêm tốn.

Do đó, theo VinaCapital, dù các hạn chế COVID của Trung Quốc ảnh hưởng đến 4 nền kinh tế của nước này trong năm nay nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam không bị tác động nhiều.

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc gần như không đổi trong 9 tháng 2022 nhưng chỉ có 14% hàng xuất khẩu của Việt Nam được bán sang Trung Quốc, vì vậy GDP của Việt Nam tăng 8,8% so với cùng kỳ bất chấp lệnh phong tỏa của Trung Quốc. Việc này một phần là do xuất khẩu sang Mỹ và EU chiếm gần một nửa xuất khẩu của Việt Nam, tăng 25% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm.

Hơn nữa, hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang (và nhập khẩu từ) Trung Quốc là hàng hóa dùng cho sản xuất và/hoặc hàng hóa trung gian khác liên quan đến sản xuất hàng điện tử và hàng may mặc.

Những hàng hóa này chiếm đến hai phần ba tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước. Một số công ty Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, chẳng hạn như những công ty hải sản và các sản phẩm nông nghiệp khác, nhưng xuất khẩu các sản phẩm được tiêu thụ ở Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Vì thế, VinaCapital nhấn mạnh Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ chỉ tác động khiêm tốn đến tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Khách Trung Quốc sẽ trở lại bình thường vào nửa cuối năm sau

Về tác động đến ngành du lịch và khu vực FDI, báo cáo cho biết du lịch nước ngoài đóng góp khoảng 10% GDP của Việt Nam trước COVID và lượng khách du lịch nước ngoài đang trên đà đạt 25% so với mức trước COVID trong năm nay.

Chuyên gia kỳ vọng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam sẽ đạt trên 50% so với mức trước COVID vào năm 2023, dựa trên giả định rằng lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ trở lại bình thường vào nửa cuối năm sau.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển gần đây ở Trung Quốc cho thấy lượng khách du lịch Trung Quốc có thể phục hồi nhanh hơn. Do đó, khách du lịch Trung Quốc có thể đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm tới so với dự kiến hiện tại. 

VinaCapital cũng thấy một số nhà đầu tư có những lo ngại rằng việc nền kinh tế của Trung Quốc mở cửa trở lại có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam cho đầu tư FDI.

Quỹ nhận định điều này không có khả năng xảy ra vì Trung Quốc đã mất đi sức hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia đến đầu tư, và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã leo thang đáng kể trong năm nay. 

Giá năng lượng và lương thực của Việt Nam có thể chịu áp lực

Theo Kinh tế trưởng của VinaCapital, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ gây áp lực lên giá lương thực và năng lượng ở Việt Nam (chiếm gần một nửa trong rổ CPI của Việt Nam) và lưu ý rằng một số nhà kinh tế học Trung Quốc có uy tín dự đoán giá thịt lợn Trung Quốc sẽ tăng 20% trong năm tới.

Trước đây, giá thực phẩm Trung Quốc tăng cao có thể khiến giá thực phẩm Việt Nam tăng do hai nước có khoảng cách địa lý gần nhau, tuy nhiên chuyên gia tại đây cho rằng có một số yếu tố có khả năng kìm đà tăng lạm phát của Trung Quốc (bao gồm cả lạm phát giá lương thực) trong nửa đầu năm 2023.

Đầu tiên, hoạt động kinh tế và áp lực giá cả ở Trung Quốc đều có khả năng diễn biến xấu đi và chạm đáy vào một thời điểm nào đó trong quý I/2023.

Ngoài ra, sự bùng nổ khi Trung Quốc mở cửa sẽ không mạnh mẽ như ở Mỹ và Châu Âu bởi vì không giống như chính phủ ở phần lớn các nước phát triển, Trung Quốc không kích thích quá mức nền kinh tế của đất nước bằng cách in tiền và gửi khoản tiền hỗ trợ cho người dân. 

Do đó, tăng trưởng cung tiền của Trung Quốc, tác nhân gây lạm phát giá tiêu dùng, vẫn ở mức khiêm tốn trong suốt thời gian COVID và có ít “khoản tiết kiệm trong dân” ở Trung Quốc để thúc đẩy tiêu dùng và giá tiêu dùng tăng đột biến.      

Cùng chuyên mục

Đọc thêm