Báo cáo hoạt động mới đây của Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường VinaCapital (VinaCapital-VESAF) cho biết trong tháng đầu năm, một số thông tin tích cực hỗ trợ cho thị trường bao gồm: áp lực về tỷ giá giảm bớt với việc tỷ giá USD/VND giảm khoảng 1,5% trong tháng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 cao hơn kỳ vọng và các doanh nghiệp niêm yết nhìn chung đạt kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV và cả năm 2024.
Những yếu tố này đã giúp cân bằng lại tâm lý thận trọng trên thị trường đến từ những bất ổn đang diễn ra trên thế giới.
Tính đến ngày 6/2, hầu hết các công ty niêm yết (chiếm 98,5% vốn hóa thị trường tính trên HOSE, HNX và UPCoM) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2024. Lợi nhuận ròng quý IV và cả năm 2024 của các công ty niêm yết tăng trưởng lần lượt 28,6% và 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Đa số các ngành và doanh nghiệp lớn trên thị trường đều ghi nhận tăng trưởng.
Ngày 5/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP, đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP đạt mức 8% trở lên trong năm 2025. Đáng chú ý, lần đầu tiên chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế được giao cụ thể cho từng địa phương, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc hiện thực hóa mục tiêu này.
Giá trị tài sản ròng (NAV) trên mỗi chứng chỉ quỹ của VESAF giảm 0,6% trong tháng 1 so với mức giảm 0,1% của VN-Index. Trong bối cảnh thanh khoản thị trường trong tháng 1 đạt mức thấp nhất trong nhiều tháng, hầu hết các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (SMID) đều phải đối mặt với áp lực bán cao.
Bên cạnh đó, nhà quản lý quỹ nhận thấy một số cổ phiếu xuất khẩu và cổ phiếu năng lượng trong danh mục đầu tư phải đối mặt với áp lực bán cao hơn bình thường trong tháng, do lo ngại về sự chậm lại của thương mại toàn cầu.
VESAF đã xem xét 6 cổ phiếu xuất khẩu/năng lượng thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong danh mục, vốn chịu áp lực bán mạnh và chiếm khoảng 23% NAV của danh mục vào cuối tháng.
Áp lực bán đối với các cổ phiếu này dường như không phù hợp với: kết quả kinh doanh quý IV/2024 mạnh mẽ, với 5 trên 6 công ty vượt kỳ vọng của Bloomberg; mức định giá không cao, hoặc thậm chí rẻ với một số trường hợp.
Các công ty này sở hữu các mô hình kinh doanh vững chắc với lợi thế cạnh tranh về chi phí/vị trí, giúp tạo điều kiện giành thêm thị phần ở những thị trường mục tiêu có quy mô lớn.
Cả 6 công ty đều có bảng cân đối tài chính lành mạnh với tỷ lệ đòn bẩy thận trọng, cùng lịch sử chi trả cổ tức bằng tiền mặt ổn định – một minh chứng cho chiến lược quản lý kinh doanh cẩn trọng và hướng tới cổ đông.
Do đó, luận điểm đầu tư dài hạn của VESAF đối với các cổ phiếu này không thay đổi và quỹ không lo ngại về biến động thị trường ngắn hạn.
Quỹ nhận thấy những thách thức tiềm ẩn liên quan đến thuế quan và sự chậm lại của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, các công ty trong danh mục đầu tư vẫn có những cơ hội giành thêm thị phần giữa bối cảnh khó khăn.
VESAF có NAV đạt 2.672 tỷ đồng tại cuối tháng 1. Tỷ trọng cổ phiếu nắm giữu là 94,8% còn tiền mặt 5,2%.
Ngân hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 25,3%, kế đến là công nghiệp 15,7%, tiêu dùng không thiết yếu 12,1%, công nghệ 8,7%... Top 10 khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất bao gồm: FPT, ACB, BVH, MWG, GMD, MBB, DGC, VIB, VPB, FOX.

Cơ cấu danh mục VESAF tại cuối tháng 1. (Nguồn: VinaCapital).