Tài chính

VietinBank bán khoản nợ hơn 500 tỷ đồng của doanh nghiệp xây dựng bị hủy niêm yết sau 4 năm lên sàn giao dịch

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, Mã: CTG) chi nhánh Bắc Sài Gòn thông báo bán khoản nợ có tài sản bảo đảm của khách hàng là CTCP Xây dựng Công nghiệp để xử lý thu hồi nợ vay.

Tổng dư nợ tính đến ngày 6/7/2022 là 508,5 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 328,4 tỷ đồng, dư nợ lãi và lãi phạt là 180 tỷ đồng. Toàn bộ dư nợ của công ty được đảm bảo bằng 23 hợp đồng bảo đảm được ký trong giai đoạn từ 2015 đến 2019.

VietinBank đã khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với CTCP Xây dựng Công nghiệp. Hiện Tòa án Nhân dân TP HCM đã có bản án phúc thẩm ngày 18/5/2022, theo đó tuyên bố buộc công ty này phải thanh toán toàn bộ gốc, lãi, lãi phạt quá hạn cho VietinBank.

VietinBank Bắc Sài Gòn sẽ lựa chọn người mua theo nguyên tắc là người có giá chào mua cao nhất và có đủ khả năng tài chính để thanh toán theo giá mua nợ.

CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon) có trụ sở tại 146 Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP HCM. Công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, xây dựng nhà cửa, cao ốc.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). (Nguồn ảnh: VietinBank)

Cổ phiếu DCC lên sàn HoSE vào cuối năm 2007. Tuy nhiên sau 4 năm giao dịch thì DCC chính thức bị hủy niêm yết vào cuối năm do vi phạm về quy định công bố thông tin.

Tháng 7/2021, Cục Hải quan TP HCM ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu với Descon do công ty không thanh toán khoản nợ thuế gần 261 tỷ đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 15/7/2021 đến ngày 14/7/2022.  

 

Cuối năm 2018, Descon nhận quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân TP HCM theo đơn kiện của một nhà cung cấp nước ngoài là Siam City Cement Ltd (SIAM).

Thông tin về việc Descon bị mở thủ tục phá sản được cho là khá bất ngờ vì ở thời điểm đó doanh nghiệp này không cho thấy dấu hiệu của việc kinh doanh sa sút. Theo báo cáo tài chính năm 2017, Descon ghi nhận doanh thu giảm nhẹ với 1.445 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế đạt 24,6 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2016.

Tuy nhiên, khoản nợ mà Descon phải gánh ở thời điểm đó là quá lớn so với tình hình tài chính của doanh nghiệp này. Cụ thể, tổng nợ phải trả của Descon tính đến ngày 31/12/2017 lên đến 2.372 tỷ đồng, tăng gần 900 tỷ đồng so với năm 2016 và gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu.

Tính tới cuối năm 2019, tổng lỗ luỹ kế của công ty là 380 tỷ đồng. Descon còn khoản nợ đi vay 709 tỷ đồng, chủ yếu là từ ngân hàng và chiếm tới 43% tổng nguồn vốn và gấp chục lần vốn chủ sở hữu.

Gần cuối năm 2020, Descon đã “thay máu” nhiều lãnh đạo chủ chốt trong đó có sự tái xuất ông Trịnh Thanh Huy ở Hội đồng quản trị (HĐQT) đồng thời sẽ tái xuất trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, toàn bộ nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát được thay mới, vị trí Chủ tịch HĐQT được tiếp quản bởi ông Nguyễn Quang Minh thay cho ông Châu Anh Tuấn.

Bên cạnh chức vụ tại Descon, ông Nguyễn Quang Minh còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH Thu hồi nợ Quang Minh, đồng thời là Tổng giám đốc của nhiều đơn vị như CTCP Đầu tư Phát triển Năng lượng mới Phú Quang, CTCP Đầu tư Dịch vụ Thương mại Thành An, CTCP Kinh doanh Bất động sản Phước Long, Công ty TNHH Nam Kinh.

Về ông Châu Anh Tuấn, trước đó, ông từng là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương nhưng đã từ nhiệm vào tháng 11/2018.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm