Công nghệ

Việt Nam vượt nhiều cường quốc trên Bảng Chỉ số AI thế giới

Bảng xếp hạng được tổ chức WIN – Mạng lưới Nghiên cứu Thị trường Độc lập Toàn cầu công bố ngày 16/7, dựa trên khảo sát hơn 33.000 người tại 40 quốc gia thuộc 5 châu lục.

Kết quả được tính toán dựa trên 7 chỉ số thành phần: mức độ sử dụng AI, mức độ tin cậy AI, mức độ chấp nhận AI, mức độ hiệu quả AI, khả năng sử dụng AI, mức độ thoải mái với AI, mức độ quan tâm đến AI.

Tại Việt Nam, khảo sát do Indochina Research thực hiện với 900 người ở 4 thành phố lớn, diễn ra từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025.

Với 59,2 điểm trên thang 100, Việt Nam xếp thứ 6, trên nhiều quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản trong bảng xếp hạng toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 3 về mức độ tin tưởng AI (65,6 điểm) và thứ 5 về mức độ chấp nhận AI (71,6 điểm).

Dù niềm tin và sự quan tâm dành cho AI ở mức cao, mức độ sử dụng thực tế tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chỉ đạt 37,6 điểm – xếp thứ 17/40, mức thấp nhất trong 4 chỉ số thành phần.

Dữ liệu cho thấy khoảng 60% người được khảo sát từng dùng AI, nhưng chỉ 3% sử dụng hằng ngày.

Chênh lệch còn thể hiện rõ qua vị trí địa lý và độ tuổi: gần 90% người từ 18–24 tuổi ở Hà Nội và TP.HCM đã từng sử dụng AI, trong khi tỷ lệ này giảm mạnh ở Đà Nẵng, Cần Thơ, đặc biệt ở nhóm tuổi từ 55 trở lên.

vietnam bxh ai.png
Điểm số 7 thành phần của Việt Nam. Nguồn: Indochina Research

Theo ông Xavier Depouilly, Tổng Giám đốc Indochina Research Vietnam, đây là tín hiệu cho thấy một bộ phận lớn dân cư đô thị tại Việt Nam – đặc biệt là giới trẻ – đang chủ động tiếp cận công nghệ mới.

“Thế hệ trẻ Việt Nam sẵn sàng đón nhận công nghệ và điều đó đóng vai trò lớn trong quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh và chuyển đổi số của đất nước”, ông nói.

Ngoài ra, báo cáo của Indochina Research cũng hé lộ những quan ngại của người dùng đối với AI. Tương tự các nước châu Á – Thái Bình Dương, người Việt lo lắng nhất về quyền riêng tư dữ liệu, cách AI thu thập và sử dụng thông tin cá nhân (52%).

Khoảng 48% người tham gia khảo sát lo sợ bị AI thay thế trong công việc. Chỉ 36% bày tỏ lo ngại về thông tin sai lệch (deepfake, thao túng dư luận).

Screenshot_21 7 2025_13146_app.powerbi.com.jpeg
Việt Nam xếp hạng 6/40 quốc gia trong Bảng Chỉ số AI Thế giới 2025. Ảnh chụp màn hình

Indochina Research đánh giá, với mức độ tin tưởng và thái độ tích cực cao, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bứt phá trong cuộc đua AI toàn cầu.

Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng này, cần mở rộng khả năng tiếp cận AI đến các nhóm dân cư lớn tuổi và khu vực ngoài đô thị.

Song song đó là việc xây dựng hệ sinh thái AI tin cậy, an toàn và thân thiện với người dùng. Sự phát triển này không chỉ đến từ công nghệ mà còn cần sự hỗ trợ từ chính sách, giáo dục và truyền thông – nhằm rút ngắn khoảng cách số và lan tỏa công nghệ đến toàn dân.

Theo Indochina Research, vẫn còn một bộ phận lớn người dân chưa được tiếp cận AI, do đó cần đẩy mạnh việc thử nghiệm, sử dụng và lan tỏa AI một cách rộng rãi hơn.

Việt Nam cũng cần đảm bảo rằng quá trình phát triển này sẽ mang tính toàn diện và bao trùm, nhằm duy trì lợi thế hiện tại và vươn xa hơn trong tương lai.

Các tin khác

7 món ăn người bệnh thận nên tránh

Chế độ ăn uống khoa học là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh thận, dưới đây là danh sách các thực phẩm người bệnh thận nên tránh để bảo vệ sức khỏe.

Tâm điểm vĩ mô tháng 7: Xuất khẩu bắt đầu sụt giảm, Fed khó hạ lãi suất

Trong nửa đầu tháng 7, xuất khẩu đã bắt đầu sụt giảm tới 13,2% khi các nhà nhập khẩu giảm đơn hàng. Ngoài ra, Fed nhiều khả năng sẽ không hạ lãi suất do vẫn chưa biết thuế quan đối ứng ở mức nào và thứ hai là thị trường lao động của Mỹ vẫn rất tốt. Đây là hai trong số những yếu tố vĩ mô mà nhà đầu tư cần quan tâm trong tháng 7.