Nửa đầu năm 2025 đã đi qua với nhiều kết quả vĩ mô tích cực: Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 - 2025; xuất khẩu tăng trưởng, xuất khẩu tăng 14,4%,...
Tuy nhiên, bước sang tháng 7 khi thời hạn hoãn thuế đối ứng sắp hết liệu lực (ngày 9/7, Mỹ gia hạn thêm thời gian áp dụng thuế đối ứng 10% đến ngày 1/8), xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm. Ngoài ra, Fed có thể cũng chưa hạ lãi suất trong kỳ họp ngày 29-30/7.
Vậy đâu là những yếu tố vĩ mô nhà đầu tư cần quan tâm trong tháng 7?
Lùi thời gian áp thuế đối ứng nhưng xuất khẩu đã bắt đầu sụt giảm
Ngày 9/7,Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục công bố lùi thời hạn áp thuế đối ứng ở mức cao với các đối tác thương mại lần thứ 2 sang 1/8, sau khi công bố chính sách này ngày 2/4.
Như vậy, trong tháng 7, thuế đối ứng với Việt Nam vẫn được áp dụng mức 10%. Tuy nhiên, sau giai đoạn xuất khẩu tăng trưởng tốt do các nhà nhập khẩu từ Mỹ chạy đua nhập hàng hoá trước khi thuế đối ứng có hiệu lực, sang tháng 7, xuất khẩu đã bắt đầu sụt giảm.

(Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp từ số liệu Cục Hải quan).
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7 (từ ngày 1/7 đến ngày 15/7) đạt 38,21 tỷ USD, giảm 7% (tương ứng giảm 2,86 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 6 (từ ngày 16/6 đến hết ngày 30/6).
Đáng chú ý, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7 đạt 19,04 tỷ USD, giảm 13,2% (tương ứng giảm 2,89 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 6. Ở chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 7 đạt 19,17 tỷ USD, tăng 0,2% (tương ứng tăng 0,03 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 6.
Cũng trong kỳ 1 tháng 7, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 0,13 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/7, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 7,74 tỷ USD.
Điều này cũng được dự báo từ trước khi PMI ngành sản xuất của Việt Nam tháng 6 chỉ đạt 48,9 điểm, giảm nhẹ so với tháng trước. Đồng thời, đã ba tháng liên tiếp, PMI dưới ngưỡng 50 điểm, lượng đơn hàng mới đang ở mức thấp nhất trong hai năm.
Sang tháng 8, chưa rõ thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng với các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ ở mức bao nhiêu. Tuy nhiên, nhiều khả năng xuất khẩu sẽ mất đà tăng trưởng do các yếu tố hỗ trợ không còn.
Fed có thể chưa hạ lãi suất trong tháng 7
Ngày 29 - 30/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp quan trọng về lãi suất, tuy nhiên, hiện nay thị trường đánh giá tháng 7 Fed chưa hạ lãi suất.
Nguyên nhân là trong tháng này, vẫn chưa biết thuế quan đối ứng ở mức nào và thứ hai là thị trường lao động của Mỹ vẫn rất tốt.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright. (Ảnh: H.A).
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright phân tích tại một sự kiện mới đây: "Hiện tại, lãi suất ở Mỹ vẫn cao, chính sách tiền tệ của Mỹ theo hướng thắt chặt nhưng tài khoá lại đang nới lỏng. Đặc biệt là Luật Ngân sách vừa được thông qua cắt giảm mạnh thuế thu nhập sẽ là một cú hích lớn cho cả doanh nghiệp và người dân".
Thị trường lao động vẫn khả quan thì Fed cũng không có lý do gì để giảm lãi suất, vì cũng chưa biết mức thuế quan là bao nhiêu, sẽ tác động đến lạm phát như thế nào nên khả năng cao là chưa có hạ lãi suất trong tháng 7, ông Thành nhận định.
Tuy vậy, một số quan chức Mỹ lại lên tiếng ủng hộ việc cắt giảm lãi suất. Thống đốc Michelle Bowman và Christopher Waller đã công khai lên tiếng ủng hộ cắt giảm lãi suất ngay trong cuộc họp vào ngày 29 - 30/7 tới nếu lạm phát được kiểm soát.
Cùng lúc đó, vài quan chức đánh giá rằng lãi suất chính sách hiện nay có thể đã gần với mức trung tính - tức mức lãi suất không kích thích hay kìm hãm nền kinh tế. Điều này cho thấy họ nghĩ rằng Fed chỉ cần tung ra vài đợt cắt giảm lãi suất trong tương lai.
Từ giờ đến cuối năm còn 4 lần họp Hội đồng chính sách tiền tệ của Fed vào tháng 7, tháng 9, tháng 10 và tháng 12. Các chuyên gia nhận định, dù Fed không giảm lãi suất trong tháng 7 nhưng chắc chắn sẽ phải giảm ít nhất hai lần từ nay đến cuối năm.
Tỷ giá bớt áp lực
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), chỉ số USD Index đã suy giảm đáng kể trong nửa đầu năm nay với mức giảm hai con số - 11%, song VND vẫn tiếp tục đà mất giá. Trong nửa đầu năm, tỷ giá USD/VND đã tăng 2,83%.
Diễn biến này đến từ hai nguyên nhân chính: Chính sách tiền tệ nới lỏng: Duy trì lãi suất thấp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, mở rộng cung tiền M2 và thứ hai là tâm lý đầu cơ trước các lo ngại về việc thuế quan sẽ gây đảo chiều ròng vốn đầu tư ra khỏi Việt Nam.

USD Index (DXY) đã giảm 11% trong nửa đầu năm 2025. (Nguồn: KBSV).
Mặc dù vậy, trong nửa cuối năm, nếu mức thuế đối ứng Việt Nam phải chịu không quá cao thì dòng vốn đầu tư cả trực tiếp hay gián tiếp sẽ không rời đi làm giảm đi tâm lý lo ngại, đầu cơ USD.
Thêm vào đó, khả năng cao Fed sẽ có hai lần hạ lãi suất trong năm nay và chính sách tài khoá mở rộng của chính quyền Tổng thống Trump khiến đồng USD duy trì ở mức thấp.
Các chuyên gia đánh giá, USD/VND sẽ không tăng quá 4% trong năm nay, và là mức biến động trong biên độ cho phép trong bối cảnh các chính sách kinh tế đangđược đẩy mạnh theo hướng kích thích tăng trưởng.
Đầu tư công vẫn là động lực chính cho tăng trưởng
Động lực tăng trưởng chính của TTCK Việt Nam trong nửa sau của 2025 sẽ đến từ các chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ của Chính phủ như duy trì mặt bằng lãi suất thấp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản…
Cụ thể, Bộ Tài chính ước tính giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2025 tăng 42,3%, đạt hơn 268.000 tỷ đồng, hoàn thành 32,5% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công qua các tháng. (Nguồn: Mirae Asset).
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân 100% tổng số kế hoạch 825,9 nghìn tỷ đồng trước 31/12/2025, tương đương mức tăng 55,9% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của đầu tư công trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay, bởi vì nếu thực hiện giải ngân 100% kế hoạch trong kỳ báo cáo 13 tháng (kết thúc 31/01/2026) thì mức tăng trưởng thực tế là 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy, chưa bao giờ giải ngân vốn đầu tư công tăng cao như vậy. Những năm trước, giải ngân đầu tư công cao nhưng thu ngân sách còn cao hơn chi ngân sách. Năm nay, có điểm đặc biệt là chi ngân sách tăng cao hơn thu. Điều này cho thấy cả về tiền tệ lẫn tài khoá đều đang hỗ trợ tăng trưởng.