Kinh doanh

Việt Nam – Trung Quốc ký Nghị định thư mới: 4 mặt hàng của nước ta rộng cửa vào thị trường tỷ dân

Tóm tắt:
  • Việt Nam sẽ xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo, tổ yến và cám gạo sang Trung Quốc.
  • Các mặt hàng nông sản Việt Nam đã xuất khẩu sang 22 quốc gia, trong đó có EU và Mỹ.
  • Trung Quốc chiếm 75% thị phần xuất khẩu ớt của Việt Nam, với 7.811 tấn dự kiến trong năm 2024.
  • Hai nước thống nhất xây dựng cửa khẩu thông minh để nâng cao hiệu suất thông quan hàng hoá.
  • Việt Nam và Trung Quốc đã ký 24 thỏa thuận liên quan đến xuất nhập khẩu nông sản.
Chanh leo Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh minh họa

Chanh leo Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh minh họa

Mới đây, ngày 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (14 – 15/4), lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung. Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư xuất khẩu ớt, chanh leo, tổ yến, cám gạo sang Trung Quốc.

Theo đó, các Nghị định thư được ký kết, bao gồm: Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả ớt; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chanh leo; Nghị định thư về yêu cầu an toàn và kiểm dịch động, thực vật đối với cám gạo và cám gạo chiết ly làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với các sản phẩm tổ yến thô và tổ yến sạch.

Ngoài những mặt hàng trên, Trung Quốc cũng đang tích cực triển khai thủ tục cấp phép chính thức cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam, chẳng hạn như hoa quả có múi, dược liệu Đông y có nguồn gốc thực vật. Ngược lại, Việt Nam sẽ đẩy nhanh nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.

Trên thực tế, chanh leo và ớt của Việt Nam được thí điểm xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức Nghị định thư kể từ năm 2022. Hiện nay, nước ta có hơn 12.000 ha chanh leo, với sản lượng 200.000 tấn/năm, tập trung ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Việt Nam có bộ chanh leo tương đối phong phú. Do đó, nếu thâm canh tốt, chanh leo có thể cho thu hoạch 3 vụ mỗi năm.

Hiện nay, chanh leo Việt Nam đã được xuất khẩu tới 22 quốc gia. Trong đó có thị trường EU, Úc, thị trường Mỹ (đang đàm phán mở cửa trong năm 2025).

 - Ảnh 1.

Ớt là một trong những mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh minh họa

Với ớt, Việt Nam hiện đang trồng tập trung nhiều ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ và một số địa phương khác. Trong năm 2024, thị trường xuất khẩu ớt lớn nhất của nước ta là Trung Quốc, khi chiếm tới 75% thị phần, với sản lượng đạt 7.811 tấn.

Theo Tuyên bố chung, Việt Nam – Trung Quốc cũng đẩy nhanh xây dựng cửa khẩu thông minh tại các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Mô hình cửa khẩu thông minh cũng sẽ được cân nhắc nhân rộng tại các cửa khẩu khác đủ điều kiện, bao gồm cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng. Ngoài ra, những "kết nối mềm" về hải quan thông minh sẽ được nâng cấp.

Đặc biệt, Trung Quốc sẵn sàng tạo thuận lợi sớm thành lập thêm các Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở Hải Khẩu (Hải Nam) và địa phương liên quan khác. Hai bên sẽ tiến hành phối hợp nâng hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới, giảm tải áp lực thông quan.

Bên cạnh đó, Tuyên bố chung còn nêu rõ hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm trồng trọt và chế biến sâu nông sản, đảm bảo an ninh lương thực và kiểm soát dịch bệnh tổng hợp.

Việt Nam có 14 loại rau quả xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 24 thỏa thuận ghi nhớ và Nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Trong đó, riêng năm 2024, hai nước đã ký 4 Nghị định thư, bao gồm Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, cá sấu, khỉ và dừa tươi.

Có 14 loại nông sản Việt Nam, bao gồm thanh long, xoài, chuối, yến sào, khoai lang, chôm chôm, mít, dưa hấu, măng cụt, thạch đen, nhãn, vải, chanh dây và sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đem lại doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.

Các tin khác

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Công khai thông tin các dự án NƠXH để người dân mua đúng giá

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu Sở Xây dựng và các quận huyện công khai thông tin về sơ đồ mặt bằng, giá thuê, mua, trình tự thủ tục đăng ký, vay vốn... hỗ trợ người dân đủ điều kiện tiếp cận, mua nhà ở xã hội đúng giá, không qua trung gian, không phải trả thêm phí.

Được gỡ cơ chế, điện mặt trời mái nhà sẽ tăng mạnh thời gian tới

Theo Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, điện mặt trời mái nhà là xu hướng và sẽ phát triển rất nhanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới do hàng hoá của các doanh nghiệp xuất khẩu khi dùng điện mặt trời mái nhà sẽ được công nhận chứng chỉ xanh khi vào các thị trường có yêu cầu cao trong bối cảnh giá điện ngày càng tăng.