Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 được Liên Hợp Quốc chính thức công bố vào tháng 6/2012. Kể từ đó, ngày càng có nhiều người dân tin rằng thành công của một quốc gia nên được đánh giá bằng hạnh phúc của người dân. Thúc đẩy hạnh phúc quốc gia trở thành mục tiêu của các chính phủ. Sau đây là ý kiến của một số người dân về hạnh phúc.
Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc (Ảnh: Hà Anh)
Vào Ngày Quốc tế Hạnh phúc, báo cáo Hạnh phúc Thế giới công bố xếp hạng các quốc gia dựa vào các chỉ số như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội. Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023, Phần Lan lần thứ 6 được đánh giá là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển và Na Uy đều đạt điểm rất cao. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 trong năm nay.
Nhìn chung, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 đưa ra những dấu hiệu lạc quan về hạnh phúc thế giới trong năm qua. Hạnh phúc toàn cầu đã không bị ảnh hưởng trong ba năm xảy ra đại dịch Covid-19. Chỉ số lòng nhân từ cao hơn khoảng 25% so với trước đại dịch. Theo John Helliwell, một trong những tác giả của báo cáo, lòng nhân từ với người khác, đặc biệt là việc giúp đỡ người lạ, đã tăng lên đáng kể vào năm 2021 và duy trì ở mức cao vào năm 2022. Ngay cả trong những năm khó khăn do đại dịch Covid-19, cảm xúc tích cực vẫn phổ biến gấp đôi so với cảm xúc tiêu cực và cảm giác nhận được hỗ trợ từ xã hội mạnh gấp đôi cảm giác cô đơn.