
Băng tần 700MHz sở hữu đặc tính truyền sóng xa và xuyên thấu tốt, giúp phủ rộng và hiệu quả khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa (Ảnh: Viettel).
Được biết, mức giá trúng là gần 1.996 tỷ đồng, tương đương giá trung bình thế giới.
Đây là lần thứ tư Viettel tham gia và thành công trong việc đấu giá băng tần 700MHz.
Băng tần 700MHz, với khả năng truyền sóng xa và xuyên thấu hiệu quả, không chỉ lý tưởng cho các khu vực nông thôn, miền núi, và vùng sâu vùng xa, mà còn có thể tiếp cận các tòa nhà cao tầng và vị trí khó tiếp cận trong khu vực thành thị.
Theo nghiên cứu, bán kính phủ sóng của khối tần này lớn gấp 1,8 lần so với băng tần 1.800 MHz, tối ưu hóa chi phí triển khai nhiều lần và tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng so với các băng tần hiện hành, đồng thời cải thiện trải nghiệm người dùng.
Khối tần này được Bộ Khoa học và Công nghệ quy hoạch cho hệ thống thông tin di động chuẩn IMT-Advanced (4G) và các phiên bản tiếp theo.
Theo Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, việc sở hữu khối tần B2-B2 của băng tần 700MHz là bước đi cần thiết để hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, xây dựng một nền tảng hạ tầng số tốc độ cao, an toàn và tin cậy.
Trên khối tần này, Viettel sẽ triển khai các dịch vụ Internet băng rộng di động 4G/5G với tốc độ cao và độ trễ thấp, phục vụ cho giải trí, làm việc từ xa, học trực tuyến, và dịch vụ IoT, hỗ trợ các ứng dụng như thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, và quản lý giao thông thông minh.
Tập đoàn đặt mục tiêu xây dựng hạ tầng tích hợp băng tần mới để phát triển mạng 5G tốt nhất với hơn 20.000 trạm phát sóng trước ngày 31/12.