Công nghệ

Việt Nam đẩy mạnh Internet công nghiệp, nền tảng phát triển kinh tế xã hội

Phiên toàn thể của diễn đàn chuyên sâu về kỹ thuật, công nghệ Internet “VNNIC Internet Conference 2025” vừa được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức vào ngày 25/7 tại Hà Nội.

Sự kiện này là điểm nhấn của chuỗi hoạt động diễn ra từ ngày 22 đến 25/7, quy tụ hơn 400 lãnh đạo, CEO và chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, khẳng định vai trò trung tâm của Internet công nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số và hiện đại hóa đất nước.

Vai trò của Internet công nghiệp

Phát biểu tại phiên toàn thể, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc VNNIC, nhấn mạnh: “Việt Nam đang trong bước chuyển quan trọng của hạ tầng số, từ nền tảng kết nối truyền thống sang kết nối vạn vật: thiết bị, cảm biến, hệ thống kết nối, sản xuất thông minh”.

Việt Nam đẩy mạnh Internet công nghiệp, nền tảng phát triển kinh tế xã hội - 1

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (Ảnh: BTC).

Theo ông Giang, Internet công nghiệp không chỉ là xu hướng mà còn là nền tảng cốt lõi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, hiện đại hóa sản xuất, phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh.

“Chúng tôi tin rằng hạ tầng Internet mạnh mẽ, mở, tin cậy là điều kiện tiên quyết để phát triển Internet công nghiệp Việt Nam tự chủ, đổi mới, kết nối toàn cầu”, ông Giang bày tỏ.

Việt Nam đã có nhiều bước chuẩn bị cho sự phát triển của Internet công nghiệp, bao gồm chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chiến lược phát triển hạ tầng số, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị định hướng phát triển kinh tế xã hội gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Việt Nam sẵn sàng cho Internet công nghiệp

Trong phiên thảo luận bàn tròn, đại diện VNNIC, các nhà quản lý và chuyên gia đều khẳng định hạ tầng Internet mạnh mẽ, mở, tin cậy là điều kiện tiên quyết để phát triển Internet công nghiệp Việt Nam tự chủ, đổi mới, kết nối toàn cầu.

Việt Nam đã xác định hạ tầng số phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, thông minh, mở và an toàn.

Để đáp ứng nhu cầu kết nối khổng lồ, độ trễ thấp và độ tin cậy cao của các ứng dụng Internet công nghiệp, Việt Nam đang tập trung vào các định hướng chính sách và chiến lược phát triển hạ tầng số quốc gia, bao gồm:

-  Phát triển 5G: Mục tiêu đến năm 2030 là phủ sóng 99% dân số, với sự tiên phong của các nhà mạng lớn như Viettel và VNPT.

- Ưu tiên hạ tầng số tại các khu vực quan trọng: Bao gồm giao thông, năng lượng và các khu công nghiệp.

- Khuyến khích đối tác công tư (PPP): Thu hút đầu tư và thúc đẩy hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp.

- Hỗ trợ doanh nghiệp: Chính sách hỗ trợ phát triển, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ chiến lược, bao gồm cả việc giải mã công nghệ ngược và mời chuyên gia nước ngoài.

Đặc biệt, IPv6 được xem là yếu tố nền tảng của kết nối IoT và Internet công nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, cho biết: “Chuyển đổi IPv6 là xu thế tất yếu, vì IPv6 tạo ra một không gian địa chỉ gần như không giới hạn và tạo ra cơ hội để vạn vật kết nối với nhau, gọi là Internet vạn vật.

Khi chúng ta chuyển sang môi trường Internet vạn vật thì các vật đều có địa chỉ, định danh trên không gian mạng kết nối với nhau end-to-end, an toàn và độ trễ thấp".

Việt Nam đẩy mạnh Internet công nghiệp, nền tảng phát triển kinh tế xã hội - 2

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (Ảnh: VNNIC).

Ông Thắng nhấn mạnh: “Đó là những yếu tố cơ bản để tạo ra một cái nền Internet công nghiệp. Chuyển đổi sang IPv6 không chỉ là cái bước chuyển đổi mạng Internet hiện tại sang một cái thế hệ địa chỉ, giao thức Internet mới, tạo ra hạ tầng số mới và không gian số mới sáng tạo mạnh mẽ hơn theo định hướng của Nghị quyết 57, phát triển hạ tầng số hiện đại an toàn, hiệu quả và tiết kiệm”.

Với việc mỗi người dân có thể sử dụng tới 4 thiết bị IoT, IPv6 only chính là giải pháp cho Internet công nghiệp Việt Nam, đặt mục tiêu đến năm 2030-2032 sẽ chuyển đổi toàn diện sang IPv6 only, từng bước không sử dụng IPv4.

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp

Với những định hướng và chính sách hỗ trợ từ chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lớn trong kỷ nguyên Internet công nghiệp.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, Việt Nam sở hữu hạ tầng viễn thông mạnh mẽ, nền tảng trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây và AI sẵn có là cơ sở vững chắc cho các ứng dụng công nghiệp.

Bên cạnh đó, trong 11 công nghệ chiến lược được chính phủ ban hành, có 2/3 trực tiếp liên quan đến Internet công nghiệp (AI, IoT, tự động hóa), mở ra nhiều không gian cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm "Make in Vietnam".

Đồng thời, sự hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học và các startup đã tạo ra một môi trường đổi mới sáng tạo, giúp làm chủ công nghệ và giải quyết các bài toán đặc thù của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít các thách thức cần vượt qua để đạt được mục tiêu này.

Đầu tiên là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ mới. Nhiều thiết bị và tiêu chuẩn IoT còn chưa được đồng bộ, gây khó khăn trong việc triển khai quy mô lớn, cùng với việc chưa có các mô hình kinh doanh cụ thể để khuyến khích đối tác tham gia vào hệ sinh thái.

Các thành phần và thiết bị IIoT nội địa còn hạn chế (IIoT: Industrial Internet of Things - Internet Vạn vật công nghiệp), cần tăng cường năng lực sản xuất trong nước. Cuối cùng là vấn đề an toàn thông tin, là yếu tố then chốt và luôn phải được ưu tiên hàng đầu trong mọi giải pháp triển khai IIoT.

Các tin khác

Giá vàng tiếp tục giảm

Sáng nay (27/7), giá vàng SJC “neo” ở mốc 121,1 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng từ đầu tuần đến nay.

Giá xăng dầu hôm nay 26/7: Quay đầu giảm

Giá cả hai loại dầu cơ bản đều quay đầu giảm do những tin tức tiêu cực về kinh tế từ Mỹ và Trung Quốc cùng với dấu hiệu nguồn cung tăng.