Techcombank mới đây đã công bố tài liệu phục vụ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Trong đó, ban lãnh đạo ngân hàng dự kiến trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2021 với việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
Cộng với hơn 26.743 tỷ đồng chưa sử dụng của các năm trước, lợi nhuận tích lũy có thể phân phối của Techcombank dự kiến tăng lên gần 40.137 tỷ đồng.
Nếu được được thông qua, đây sẽ là năm thứ 11 ngân hàng này không chia cổ tức bằng tiền mặt và là năm thứ tư liên tiếp không chia cổ tức.
Lần gần nhất, Techcombank chia cổ tức với hình thức cổ phiếu là năm 2018. Lúc bấy giờ, Techcombank là quán quân về mức chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ phát hành 200%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận thêm 2 cổ phiếu thưởng. Mục đích phát hành nhằm chia sẻ lợi ích với cổ đông qua việc chia sẻ lợi nhuận để lại trong 3 năm 2015, 2016 và 2017, từ thặng dư vốn cổ phần và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Sau phát hành, vốn điều lệ Techcombank tăng lên gấp 3 lần.
Đợt phát hành này được thực hiện chỉ sau một thời gian ngắn Techcombank chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết tại HOSE vào cuối tháng 5/2018.
Tình trạng không chia cổ tức liên tục được cổ đông đưa ra chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng trong các đại hội gần đây.
Trong cuộc họp năm 2021, nói về nguyên nhân không phát hành cổ phiếu chia cổ tức như các ngân hàng khác, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết vốn chủ sở hữu mới thực sự quan trọng đối với hoạt động ngân hàng, trong khi vốn điều lệ chỉ có ý nghĩa tại một số văn bản pháp lý.
Theo Chủ tịch Techcombank, một số ngân hàng thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thưởng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ là định hướng riêng của từng nhà băng và việc phát hành mới sẽ khiến giá cổ phiếu bị pha loãng.
''Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hay không chia là không quan trọng vì Techcombank đã tăng đủ vốn điều lệ để đáp ứng các chỉ số hoạt động. Vấn đề quan trọng làm thế nào để sử dụng sao cho giá trị chúng ta tăng lên'', Chủ tịch Techcombank nhấn mạnh
"Đối với Techcombank, để giá cổ phiếu tăng lên như Vietcombank là bước đi phù hợp hơn. Bên cạnh đó, khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, cổ đông sẽ phải chịu 5% thuế thu nhập cá nhân", ông Hồ Hùng Anh chia sẻ.
Trước đó, ban lãnh đạo ngân hàng cũng không ít lần thừa nhận động thái không chia cổ tức khiến một số cổ đông không vui nhưng bù lại giá trị cổ phiếu và các chỉ số an toàn sẽ tăng lên. Trong những đại hội cổ đông gần đây, Techcombank luôn khẳng định theo đuổi chiến lược này với lý do muốn đảm bảo ngân hàng luôn đầy đủ vốn, không mất tiền cho việc huy động bên ngoài.
Mặc dù không chia cổ tức, Techcombank lại liên tục thực hiện các đợt phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).
Trong tờ trình phục vụ đại hội cổ đông năm 2022, ban lãnh đạo ngân hàng đề xuất kế hoạch phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp, chỉ bằng 1/5 thị giá cổ phiếu TCB hiện tại.
Nếu được thông qua, đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp Techcombank phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên. Không những vậy, cổ phiếu ESOP của Techcombank chỉ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm, ít hơn nhiều so với thời hạn trong vòng 3 năm mà hầu hết ngân hàng khác đang áp dụng.
Trước đó, Techcombank đã phát hành hơn 6 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên trong tháng 9/2021 với giá 10.000 đồng. Năm 2020, 2019 và 2018, ngân hàng đã phát hành lần lượt 4,76 triệu cp, 3,5 triệu cp và 17 triệu cp cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cp theo chương trình ESOP.
Liên tục triển khai chương trình ESOP nhưng chính sách này của Techcombank chủ yếu dành cho số ít nhân sự cấp cao. Thực tế trong đợt phát hành mới nhất, chỉ có 237 trong tổng hơn 11.600 nhân sự của ngân hàng này được mua cổ phiếu ESOP. Trong đó, riêng 9 vị trí cấp cao mua hơn 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương gần 20% lượng ESOP chào bán.
Băn khoăn về vấn đề này, nhiều cổ đông đã liên tục đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo ngân hàng trong các kỳ đại hội cổ đông thường niên gần đây.
Tại đại hội năm 2021, một cổ đông đặt câu hỏi về hiệu quả của việc thực hiện các chương trình ESOP cho cán bộ nhân viên, đặc biệt là người nước ngoài khi những người này thường sẽ rời tổ chức sau nhiệm kỳ làm việc.
Trả lời vấn đề này, ông Hồ Hùng Anh cho biết chương trình ESOP không những giúp giữ chân nhân tài trong giai đoạn làm việc mà còn gắn quyền lợi của họ với giá trị của tổ chức, từ đó tạo động lực để họ tạo giá trị tốt hơn cho tổ chức trong thời gian làm việc.