Thời sự

VDSC: Ba yếu tố giúp tăng trưởng nửa cuối 2022 lạc quan, có thể vượt mức 8%

Trong báo cáo vĩ mô tháng 7, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sức bật tốt của tăng trưởng kinh tế quý II sẽ tạo tiền đề để lạc quan về triển vọng về tăng trưởng nửa sau năm 2022 trên cơ sở: lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn là động lực chính của tăng trưởng; tiêu dùng của nền kinh tế phục hồi tốt hơn kỳ vọng và mức nền thấp của nửa sau năm 2021.

Với tăng trưởng kinh tế nửa sau năm 2022 dự báo sẽ vượt 8%, VDSC nâng dự báo tăng trưởng GDP của năm nay từ mức 6,5% lên mức 7,5%.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của VDSC cũng đề cập đến một số thách thức có thể kìm hãm tăng trưởng trong nửa cuối năm như bức tranh kém khả quan của kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Ngoài ra giá cả gia tăng ảnh hưởng đến sức cầu trong nước; một số nhóm ngành có thể không đạt được sự khả quan như nửa đầu năm như tài chính, xây dựng và bất động sản và rủi ro dịch bệnh trở lại.  

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế quý II đạt 7,7% so với cùng kỳ, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tăng 3%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,9% và dịch vụ tăng 8,6%.

 

Trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất công nghiệp phục hồi như kỳ vọng thì lĩnh vực dịch vụ cho thấy sức bật tốt hơn trong quý II. Cụ thể, lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng 11,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 7,8% của quý I.

Trong khi đó, lĩnh vực bán buôn bán lẻ đã tăng tốc từ mức tăng trưởng xấp xỉ 3% trong quý I lên 8,3% trong quý II, hay lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống chuyển biến từ mức tăng trưởng âm 1,8% trong quý I thành tăng trưởng dương 25,9% trong quý II.

 

Báo cáo của VDSC cũng cho biết những ngành tăng trưởng nổi bật trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp gồm dệt may (tăng 26,8% trong quý II so với 20,1% trong quý I), thuốc, hóa dược (tăng 24,6% trong quý II so với 10,0% trong quý I), điện tử (tăng 14,7% trong quý II so với 7,6% trong quý I), đồ uống (tăng 15,1% trong quý II so với 5,6% trong quý I) và gỗ (tăng 10,3% trong quý II so với 0,6% trong quý I).

Ngoài ra, xét ở góc độ sản lượng, thủy sản, bia, phân urê cũng là các mặt hàng có tăng trưởng cải thiện so với quý trước.

Đối với lĩnh vực dịch vụ, những ngành có tăng trưởng tích cực gồm: bán lẻ thực phẩm, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch.

So với trước dịch, doanh số bán lẻ của dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch vẫn thấp hơn lần lượt 6,2% và 60,9% so với mức ghi nhận trong nửa đầu năm 2019. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ của hai lĩnh vực này riêng tháng 6 cho thấy sự phục hồi mạnh hơn, với mức giảm lần lượt 2,5% và 36,3% so với tháng 6/2019.

Lĩnh vực du lịch chưa trở về mức trước đại dịch chủ yếu là do lượng khách quốc tế còn thấp, chỉ bằng 7,1% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng 2019. Mặc dù lượng khách quốc tế có sự tăng tốc mạnh trong tháng 6 nhưng cũng chỉ đạt 20% so với mức ghi nhận vào tháng 6/2019. Cầu du lịch nội địa đang là động lực cho sự phục hồi với lượng khách du lịch nội địa nửa đầu năm đạt 60,8 triệu lượt (gấp 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2019). 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm