Khởi nghiệp

Vay 70 triệu đồng để khởi nghiệp từ căn nhà cũ, 8x thu hàng trăm triệu đồng/năm

Đó là chia sẻ của anh Phàng A Páo (SN 1984), người dân tộc Mông, trú tại xóm Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu (Hoà Bình) về những ngày đầu khởi nghiệp của mình.

Sinh ra và lớn lên ở xã miền núi của huyện Mai Châu, không khí trong lành, quanh năm mây trắng phủ kín đỉnh đồi, mát mẻ và có cảnh đẹp như cổ tích nhưng anh Páo cho biết, hai vợ chồng anh và bà con dân bản chỉ sống dựa vào nương rẫy, làm quần quật quanh năm suốt tháng mà cái đói, cái nghèo cứ đeo bám, mãi không đủ ăn.

Khung cảnh thiên nhiên đẹp như trong tranh ở Pà Cò. (Ảnh: A Páo).

Khung cảnh thiên nhiên đẹp như trong tranh ở Pà Cò. (Ảnh: A Páo).

Từ nhỏ, anh Páo đã thấy trong bản thi thoảng xuất hiện người lạ, là những khách du lịch từ khắp nơi tìm đến để khám phá, tìm hiểu phong tục tập quán của bà con. Năm 2018, anh bàn với vợ rồi quyết định khởi nghiệp làm homestay, đón khách ăn ở tại nhà và dẫn mọi người đi thăm quan bản mình.

“Lúc ấy tôi không có tiền, tiếng Anh cũng không có, chuyên môn về làm du lịch cũng không. Vay được 70 triệu đồng, hai vợ chồng liền sửa sang lại ngôi nhà cũ rồi đón khách về ăn ở tại nhà mình. Tự nấu ăn rồi mời khách ăn chung với gia đình luôn. Lấy công làm lãi, mỗi ngày thu vài chục nghìn”, anh Páo kể.

Cảnh thiên nhiên tươi đẹp đã thu hút rất nhiều du khách đến Pà Cò thăm quan, trải nghiệm. (Ảnh: A Páo).

Cảnh thiên nhiên tươi đẹp đã thu hút rất nhiều du khách đến Pà Cò thăm quan, trải nghiệm. (Ảnh: A Páo).

Là người đầu tiên tại Pà Cò làm homestay, lại không có kinh nghiệm nhưng bằng sự chân thành của mình, mỗi người khách đến ăn ở tại nhà, anh Páo lại được họ chia sẻ lại kinh nghiệm, trải nghiệm và góp ý để hoàn thiện dần dịch vụ của mình.

Vừa đón khách đến ăn ở tại gia đình, anh Páo còn dẫn họ đi thăm quan bản làng và những địa điểm đẹp nhất Pà Cò, cùng họ đi tìm hiểu cách làm giấy giang, trải nghiệm vẽ sáp ong nhuộm chàm của bà con dân mộc Mông, đi săn mây và các phiên chợ vùng cao đầy thú vị.

Khách đến với Pà Cò được thăm quan và trải nghiệm làm giấy giang theo cách truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. (Ảnh: A Páo).

Khách đến với Pà Cò được thăm quan và trải nghiệm làm giấy giang theo cách truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. (Ảnh: A Páo).

Từ vài vị khách mỗi năm, bằng cách làm homestay của mình, anh Páo đã thu hút được hàng nghìn du khách đến với Pà Cò. Những đồi chè, nương ngô hay đỉnh núi quanh năm mây phủ tưởng chừng như rất đỗi bình thường thì lại trở thành địa điểm được du khách trong và ngoài nước vô cùng thích thú, khiến cho căn nhà cũ của anh luôn trong tình trạng quá tải.

Toàn cảnh khu homestay của A Páo. (Ảnh: A Páo).

Toàn cảnh khu homestay của A Páo. (Ảnh: A Páo).

Có thu nhập, anh Páo lại tiếp tục đầu tư, xây dựng thêm các căn nhà đơn phục vụ khách du lịch. Đến nay, sau 6 năm khởi nghiệp, vợ chồng anh đã sở hữu khu homestay đẹp nhất Pà Cò, rộng 3.000m2 với 7 căn Bungalow và một nhà sàn cộng đồng có sức chứa khoảng 50 người với số tiền đầu tư khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Hiện tại, anh Páo đã có 7 căn Bungalow phục vụ khách du lịch. (Ảnh: A Páo).

Hiện tại, anh Páo đã có 7 căn Bungalow phục vụ khách du lịch. (Ảnh: A Páo).

Theo anh Páo, giá phòng đơn 2 người từ 400-500 nghìn đồng/ngày dêm, phòng gia đình 4 người có giá 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/ngày đêm. Ngoài phục vụ khách đến nghỉ ngơi, homestay của anh Páo còn phục vụ thêm các món ăn dân tộc và đặc sản vùng cao, có thêm dịch vụ đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc Mông.

Các phòng nghỉ tại homestay được thiết kế đẹp mắt, hài hoà với giá từ 400 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/phòng tuỳ loại. (Ảnh: A Páo).

Các phòng nghỉ tại homestay được thiết kế đẹp mắt, hài hoà với giá từ 400 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/phòng tuỳ loại. (Ảnh: A Páo).

Nhờ làm homestay, vợ chồng anh Páo đã có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 3 lao động tại địa phương. Không những thế, việc thu hút khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm cũng đã giúp dân bản tại địa phương phát triển kinh tế, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp với giá tốt hơn trước đây.

Nhờ làm homestay, vợ chồng anh Páo đã phát triển kinh tế gia đình và địa phương. (Ảnh: A Páo).

Nhờ làm homestay, vợ chồng anh Páo đã phát triển kinh tế gia đình và địa phương. (Ảnh: A Páo).

Từ mô hình làm homestay đầu tiên của gia đình anh Páo, đến nay, Pà Cò đã có 4 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay, đón khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm