Sức khỏe

Tự ý dừng thuốc viêm gan B: Nhiều bệnh nhân rơi vào nguy kịch

Cụ ông N.V.H (78 tuổi, quê Hải Dương) đã điều trị viêm gan B ổn định từ năm 2018. Tuy nhiên gần đây, do thấy cơ thể mệt mỏi, lại phải dùng thuốc điều trị xương khớp kéo dài, ông đã tự ý dừng thuốc kháng virus vì “uống nhiều thuốc quá”.

Khi nhập viện Khoa Viêm gan (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), các chỉ số men gan của ông đã tăng vọt lên hơn 700 U/L (giá trị bình thường < 40), chỉ số bilirubin >100 µmol/L (bình thường < 17), đồng thời chỉ số AFP – dấu hiệu cảnh báo ung thư gan, cao gấp 10 lần bình thường. Kết quả siêu âm và FibroScan xác định ông đã bị xơ gan giai đoạn F4, mức độ nặng, dù còn bù. Ngoài ra, ông còn mắc đái tháo đường type 2, yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương gan.

Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực, trong đó có khởi động lại thuốc kháng virus, sử dụng insulin thay cho thuốc uống nhằm giảm độc tính lên gan, đồng thời hỗ trợ chức năng gan.

ThS. bác sĩ Đồng Vũ Kiên, khoa Viêm gan cho biết: “Người cao tuổi có nhiều bệnh lí đi kèm, nếu không duy trì thuốc kháng virus sẽ rất dễ bùng phát viêm gan cấp và nhanh chóng tiến triển tới xơ gan”.

Nguy kịch vì tưởng “uống thuốc lao thì không cần thuốc gan”

Một trường hợp khác là bệnh nhân N.Đ.M (44 tuổi, quê Thái Nguyên), đang điều trị lao phổi tại tuyến tỉnh thì tự ý ngưng thuốc kháng virus viêm gan B với suy nghĩ “đã uống thuốc lao thì không cần thuốc gan nữa”.

Sai lầm nghiêm trọng này khiến sau 4 tháng, người bệnh nhập viện trong tình trạng nguy kịch: vàng da, bụng chướng, đông máu giảm (PT < 30%), bilirubin tăng vọt lên 700 µmol/L, men gan > 400 U/L, có dịch ổ bụng và gan xơ hóa nặng. Bệnh nhân được chẩn đoán suy gan cấp trên nền viêm gan B mạn tính bùng phát.

“Thuốc điều trị lao thải qua gan, nên người bệnh viêm gan B càng cần duy trì thuốc kháng virus để bảo vệ gan. Không có bác sĩ nào khuyến cáo dừng thuốc gan khi điều trị lao. Đây là một hiểu lầm cực kì nguy hiểm”, bác sĩ Kiên nhấn mạnh.

Con đường ngắn dẫn đến suy gan, xơ gan và tử vong

Theo bác sĩ Kiên, việc tự ý ngưng thuốc kháng virus khi điều trị viêm gan B là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới viêm gan cấp bùng phát, suy gan tiến triển, xơ gan và tử vong. Nguy cơ này càng cao với những người có hệ miễn dịch suy giảm như bệnh nhân ung thư, lao, đái tháo đường, lupus ban đỏ…

Bác sĩ khuyến cáo: “Tất cả người bệnh mạn tính, đặc biệt là các bệnh có ảnh hưởng đến miễn dịch như ung thư, lao, bệnh tự miễn cần được tầm soát viêm gan B và C kĩ lưỡng. Nếu phát hiện có viêm gan virus, bắt buộc phải điều trị song song và theo dõi chức năng gan định kì. Tuyệt đối không được tự ý dừng hay thay đổi thuốc nếu không có chỉ định chuyên khoa. Bởi đôi khi, chỉ một quyết định sai lầm, cũng có thể là bước ngoặt không thể hồi phục cho sức khỏe”.

Khi bệnh nhân viêm gan B mạn tính tự ý ngừng thuốc, virus có thể tái hoạt động mạnh mẽ, gây viêm gan cấp, làm tổn thương gan nghiêm trọng. Khi bệnh trở nặng hơn, bệnh nhân có thể phù toàn thân, xuất huyết dưới da và có dấu hiệu hôn mê gan (bệnh não gan), mất tập trung và dễ lú lẫn. Bệnh hôn mê gan (bệnh não gan) là biến chứng nguy hiểm của suy gan cấp. Khi gan không còn khả năng loại bỏ độc tố, các chất độc tích tụ trong máu gây rối loạn thần kinh. Nếu không kiểm soát kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê gan độ 4, suy đa tạng và tử vong.

Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan. Nhiều bệnh nhân nghĩ rằng khi dùng thuốc kháng virus, họ sẽ không có nguy cơ mắc ung thư gan, nhưng thực tế, ngay cả khi điều trị, nguy cơ này vẫn tồn tại. Quan trọng nhất là bệnh nhân cần khám định kì 3-6 tháng/lần để kiểm soát bệnh và sàng lọc ung thư gan bằng siêu âm và xét nghiệm chuyên sâu. Đặc biệt, khi ngừng thuốc, virus có thể bùng phát nhanh chóng, thúc đẩy quá trình xơ gan và ung thư gan tiến triển nhanh hơn.

Việc khám định kì giúp phát hiện sớm ung thư gan. Nếu khối u được phát hiện ở giai đoạn đầu, điều trị sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với khi bệnh đã tiến triển nặng. Do đó, mỗi bệnh nhân viêm gan B cần có ý thức bảo vệ sức khỏe, tuân thủ phác đồ điều trị và chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ, không tự ý dừng thuốc để tránh các biến chứng nguy hiểm và cải thiện chất lượng sống.

Các tin khác

Giá vàng quay đầu tăng

Sáng nay (1/7), giá vàng bất ngờ tăng trở lại. Theo đó, vàng miếng SJC lên mốc 119,5 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn cao nhất lên 117,4 triệu đồng/lượng.

Petrovietnam tiên phong thúc đẩy hợp tác, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Trong bối cảnh thị trường thế giới ngày càng biến động, khó dự báo, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp nhà nước và với các doanh nghiệp tư nhân trở thành yếu tố sống còn. Thực hiện vai trò tiên phong, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã chủ động liên kết với các tập đoàn hàng đầu khu vực công - tư, tạo nên sức mạnh tổng hợp, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam bứt phá và vững bước hội nhập.

Ăn nhiều rau lá xanh mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim

Theo một nghiên cứu dài hạn mới, chỉ cần ăn thêm một khẩu phần rau lá xanh mỗi ngày có thể giúp bảo vệ tim của bạn. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng lượng vitamin K1 cao hơn có trong rau cải bina (rau chân vịt), cải xoăn và bông cải xanh (súp lơ xanh) có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim.

Bac A Bank: Lãi vay chỉ từ 4,0%/năm với chương trình "vay ưu đãi - lãi linh hoạt 2025"

Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn cá nhân tiếp tục gia tăng, đặc biệt vào thời điểm giữa năm khi nhiều kế hoạch mua sắm, đầu tư và sản xuất kinh doanh bước vào giai đoạn cao điểm, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) chính thức triển khai Chương trình tín dụng “Vay ưu đãi - Lãi linh hoạt 2025” với mức lãi suất cạnh tranh chỉ từ 4,0%/năm.

Cao tốc dồn dập khởi công, mở rộng sân bay...loạt hạ tầng tỷ USD tạo đòn bẩy cho tỉnh lớn nhất cả nước sau sáp nhập bứt phá

Lâm Đồng đã và đang trong giai đoạn mở đường lớn để phát triển, làm đường cao tốc mở hướng cửa ngõ phía Nam, các tuyến đường kết nối khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Đây sẽ là bước đi chiến lược mở đường cho sự phát triển đột phá của tỉnh mới sau sáp nhập.