Thời sự

Từ ‘Trung Quốc+1’ sang ‘ABC’: Chiến lược mới của doanh nghiệp ngoại mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam

Xu hướng “Anything But China” đặc biệt rõ ràng trong các sản phẩm liên quan tới chất bán dẫn. (Ảnh minh hoạ: WSJ). 

Vài năm trước, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia nhận thấy họ đã quá phụ thuộc vào các nhà cung ứng Trung Quốc. Giải pháp mà họ đưa ra là theo đuổi chiến lược “Trung Quốc+1”, tức đa dạng hóa một phần chuỗi cung ứng sang những quốc gia khác.

Hiện nay, ngày càng nhiều công ty công nghệ phương Tây muốn đi xa hơn nữa với phương châm “Anything But China” - viết tắt là "ABC" với ý nghĩa “bất cứ nơi đâu ngoài Trung Quốc”.

Ông Wong Siew Hai, Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia, bình luận: “Mọi người đều đang tìm kiếm lựa chọn thay thế Trung Quốc. Các doanh nghiệp đang định hình lại hoạt động kinh doanh. Họ không còn chú trọng sản xuất tức thời nữa mà theo đuổi chiến lược 'ABC' để phòng ngừa rủi ro”.

Và theo Wall Street Journal, xu hướng trên mở ra cơ hội để các nước châu Á và Mỹ Latinh tiến lên trong chuỗi giá trị.

Khác biệt với China+1

Trong làn sóng đa dạng hóa “China+1”, doanh nghiệp chỉ chuyển hoạt động lắp ráp ra ngoài Trung Quốc. Ở làn sóng “ABC” hiện nay, doanh nghiệp phải di chuyển các nhà máy sản xuất linh phụ kiện như cảm biến, bảng mạch in và thiết bị điện tử công suất, theo báo cáo gần đây của S&P.

Những động thái đó đòi hỏi các khoản đầu tư trả trước với quy mô lớn cho máy móc và phụ tùng, khiến cho việc di dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trở nên chắc chắn hơn nhiều, các nhà phân tích của S&P chỉ ra.  

Xu hướng “ABC” thể hiện đặc biệt rõ trong các sản phẩm liên quan tới chất bán dẫn. Trong hai năm qua, Washington đã ra lệnh cấm để ngăn Trung Quốc tiếp cận các thiết bị và chip tiên tiến nhất, còn Trung Quốc thì đẩy mạnh nỗ lực phát triển chip nội địa.

Các nhà sản xuất công cụ chip và nhà cung cấp của họ cũng đang giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Wall Street Journal cho biết dưới áp lực của chính phủ Mỹ, Applied Materials và Lam Research đang loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng trực tiếp của họ.

Tháng trước, Advanced Energy Industries, công ty chế tạo hệ thống điện và các thành phần khác trong dây chuyền sản xuất chất bán dẫn, thông báo sẽ đóng cửa nhà máy thứ ba và cũng là nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc vào tháng 7.

Sự chuyển dịch cũng đang diễn ra trong lĩnh vực thiết bị tiêu dùng, từ smartphone đến laptop. Trong khảo sát hàng năm của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, khoảng 30% trong số hơn 360 người trả lời cho biết họ đang cân nhắc hoặc đã bắt đầu chuyển sản xuất sang những nơi khác.

Khoảng 25% doanh nghiệp công nghệ hoặc nghiên cứu và phát triển tiết lộ họ đã bắt đầu dời chuỗi cung ứng khỏi đất nước tỷ dân.

Thế mạnh của Việt Nam và Đông Nam Á

Đông Nam Á, khu vực có chi phí lao động và năng lượng tương tự Trung Quốc, là lựa chọn hấp dẫn với những doanh nghiệp theo đuổi chiến lược “ABC”.

Nhiều công ty công nghệ phương Tây đang chuyển hoạt động sản xuất và lắp ráp chip, máy chủ AI cùng các thiết bị tiêu dùng tiên tiến nhất sang khu vực này. Theo dữ liệu của ASEAN, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đông Nam Á đã tăng từ 155 tỷ USD trong năm 2018 lên 230 tỷ USD vào năm 2023.

Ba nhà sản xuất chip Intel, Infineon Technologies và Micron Technology đã đổ hàng tỷ USD vào những cơ sở ở Malaysia và Singapore. Hãng máy tính HP mở thêm cơ sở ở Thái Lan để lắp ráp laptop trong ba năm qua. Các nhà máy ở bang Penang của Malaysia hiện đang sản xuất những máy chủ AI hiện đại nhất.

Vào năm 2023, Trung Quốc sản xuất hầu hết mọi laptop trên thế giới. Nhưng đến năm 2025, công ty nghiên cứu TrendForce ước tính tỷ trọng của Trung Quốc trong sản lượng laptop toàn cầu sẽ giảm xuống 80%, còn tỷ trọng của Việt Nam và Thái Lan ngày càng tăng.

Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc và giờ cũng đang tìm cách thu hút vốn đầu tư từ ngành bán dẫn.

Tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI vào tháng 1, hàng trăm người tham dự và đại diện của tập đoàn công nghệ số đa quốc gia đã lắng nghe thông điệp của chính phủ về định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Việt Nam đã đề xuất cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất chip bán dẫn đáp ứng các điều kiện cụ thể, đồng thời đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn.

Tháng 12 năm ngoái, Nvidia thông báo sẽ mở trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Ông Lê Quang Đạm, CEO Marvell Technology Việt Nam, cho biết công ty chuyên sản xuất chip cao cấp dùng trong lĩnh vực ô tô và điện toán đám mây này cũng đang tìm cách khai thác nguồn nhân tài kỹ thuật tại Việt Nam.

Marvell đã mở rộng lực lượng lao động tại Việt Nam từ 300 lên gần 470 kỹ ​​sư trong năm qua và dự kiến ​​sẽ tăng số lượng nhân viên thêm 20% mỗi năm trong thời gian tới. Ngược lại, Marvell đã cắt giảm nhân sự nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc vào tháng 10/2022.

Tuy nhiên, hiếm có quốc gia nào có thể sánh với hệ thống cơ sở hạ tầng, nhà cung ứng và lao động của Trung Quốc. CEO Marcel Wismer của nhà sản xuất thiết bị chip Kemikon có trụ sở tại Malaysia, ước tính việc rời khỏi Trung Quốc có thể khiến các nhà cung ứng phải tốn thêm 15% chi phí.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm