Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Đây cũng là thời điểm, mọi người chi tiêu nhiều nhất. Với tâm lý lễ hội mỗi năm chỉ có 1 lần, nhiều bạn trẻ cho đến thời điểm này đã chi tiêu lên tới vài chục triệu dù chưa chính thức vào kỳ nghỉ Tết.
Tự thưởng điện thoại 25 triệu
Linh Chi (24 tuổi) chia sẻ rằng năm nay cô bạn đã chi khá nhiều cho Tết, khoảng gấp 2 lần so với thu nhập hàng tháng. Cho đến nay, cô bạn đã chi gần 39 triệu sắm Tết.
“Đây chỉ là mới ước tính cho đến hết ngày 27 Tết. Sau đó sẽ phát sinh thêm bao nhiêu, mình cũng khó lường trước được. Bởi vì trong những ngày Tết, mình thường chi tiêu khá mạnh tay", Linh Chi chia sẻ.
Đối với cô bạn, năm qua bản thân đã khá chăm chỉ làm việc, cố gắng đạt được thu nhập cao hơn nên muốn tự thưởng bản thân bằng chiếc điện thoại mới. Đây cũng là khoản chi chiếm đến hơn 60% ngân sách sắm Tết cho đến bây giờ.
Bên cạnh đó, đi làm xa nhà, đây cũng thời điểm để tri ân bố mẹ và những người luôn giúp đỡ bản thân. “Mình nghĩ rằng chẳng có việc gì phải tiết kiệm ngày Tết. Mình muốn chi tiêu thoải mái hơn cũng là để giải toả áp lực trong 1 năm vừa qua".
Gen Z tặng mẹ 3 chỉ vàng
“Mình không nhớ con số chính xác bản thân đã sắm Tết bao nhiêu. Có nhiều khoản bé bé nhưng khi cộng lại có thể sẽ là con số rất lớn. Mình ước tính bản thân đã chi khoảng hơn 20 triệu đồng”, Ngọc Linh (23 tuổi) chia sẻ.
Trong đó, các khoản chi mình chia làm các nhóm chính như dành cho bản thân, khoản chi gia đình, số tiền liên quan đến công việc. Đầu tiên, khoản cho bản thân bao gồm: làm tóc, làm nail, mua quần áo, giầy dép...
Thông thường, bố mẹ Ngọc Linh sắm ở quê khá đầy đủ, cô bạn chỉ mua một số đồ còn thiếu và ở quê không có. Chẳng hạn mua hoa, bánh kẹo Tết, quần áo cho mẹ, ví cho bố, cuối cùng là 3 chỉ vàng tặng mẹ.
“Ngoài ra, mình có đặt một số giỏ quà Tết để biếu khách hàng, đối tác nhân dịp xuân đến tết về. Trung bình 600 nghìn/giỏ, mình nghĩ khoản này sẽ chiếm 30% khoản tiền tiêu Tết của bản thân".
Ngọc Linh
Đối với Ngọc Linh, Tết là thời điểm để chi tiêu thoải mái hơn. Đây là khoảng thời gian nghỉ dài nhất trong năm, cùng là dịp để tổng kết lại năm cũ và xây dựng thêm mối quan hệ bền vững. Mọi người thường hay nói câu “Làm cả năm có mỗi ngày Tết”. Tuy nhiên, khoản chi tiêu này vẫn nên có giới hạn và trong tầm kiểm soát. “Quan điểm sống của mình vẫn là thu nhiều hơn chi và phải có kế hoạch chi tiêu rõ ràng”.
Việc chi tiêu sẽ do bản thân mỗi người cân đối, nếu có nhiều chi nhiều, có ít sẽ chi ít. Ngọc Linh hiện đang làm trong phòng kinh doanh, và thường không tính theo lương tháng. Cụ thể, cô bạn sẽ dành khoảng 20% khoản thu nhập của 3 tháng cuối năm cho những ngày Tết. Đối với quan điểm dành 2-3 tháng lương để tiêu Tết, cô bạn cho rằng nếu không có khoản tiết kiệm cũng như tiền thưởng Tết mà chỉ có lương hàng tháng, đây là số tiền tiêu Tết rất nhiều.
Tránh chi tiêu xa hoa trong ngày Tết
Tết năm nay, Đăng Danh sẽ từ Hà Nội về Sài Gòn để ăn Tết cùng gia đình sau 8 tháng xa nhà. Hiện tại, cậu bạn đã chi tiêu khoảng 26 triệu cho bản thân và gia đình
“Năm nay kinh tế cũng suy thoái nên mình chỉ chi bản thân ít và đầu tư cho gia đình là chủ yếu. Theo mình, Tết năm nào cũng có. Sau Tết còn cả năm 2023 tình hình chung kinh tế còn nhiều biến động. Mình nghĩ mọi người nên có tầm nhìn dài hạn tránh tình trạng Tết xa hoa nhưng sau tết lại dè sẻn. Đối với mình thì dùng tiền vẫn quan trọng hơn kiếm tiền”.
Bên cạnh đó, Đăng Danh cho rằng Tết là dịp đoàn tụ gia đình, mỗi người nên cân bằng chi tiêu tài chính cho bản thân và gia đình. Cậu bạn vừa mới về TP Hồ Chí Minh nên khá nhiều việc để làm. Tết cũng như ngày bình thường, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn và tập trung cho bản thân. “Mình vẫn làm việc hằng ngày. Tết năm nào cũng có nhưng túi tiền có hạn. Vì thế chi tiêu không phải cho tết còn cho qua Tết và một năm mới sau đó nữa. Cân nhắc trước khi chi tiền và nên chi tiêu đúng cách”.
Đăng Danh - Ảnh: NVCC
Vay ngân hàng nên chi tiêu ít hơn
Thu Hằng (28 tuổi) chia sẻ rằng so với năm ngoài, năm nay cô dự tính sẽ chi ít hơn. Lý do lớn nhất là bởi vì cô đang đi phải trả góp nợ vay ngân hàng do vậy muốn tiết kiệm chi phí hơn mọi năm. Thu Hằng hạn chế tối đa sắm dư thừa mà chỉ mua vừa đủ dùng trong ngày Tết.
Thu Hằng - Ảnh: NVCC
Theo Thu Hằng, đây là thời gian mọi người dồn khá nhiều tiền vào việc trữ đồ Tết. Tuy nhiên, với cô mọi thứ trong nhà, vật dụng cần thiết thì mình sẽ sắm từ từ từng cái một trải dài trong 1 năm. Bên cạnh đó, Thu Hằng hạn chế trữ đồ ăn vì đồ mua trước Tết khá đắt. Chợ mở cửa sớm nên cô chỉ cần mua đồ dùng trong 2-3 ngày. Nếu chi quá thoải mái, sau Tết có thể sẽ bị thiếu tiền để dành cho các mục của tháng sau.