Chiều ngày 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 (BKS QN-7105) chở khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) bất ngờ bị lật do gặp dông lốc, khiến ít nhất 36 người tử vong (tính đến ngày 21/7).
Cùng ngày 19/7, tàu du lịch Nguyễn Ngọc chở 30 du khách trên biển Thiên Cầm (tỉnh Hà Tĩnh) bị mưa dông, sóng lớn đánh chìm trong đêm. May mắn là tất cả số người trên tàu đều được bộ đội biên phòng kịp thời cứu sống.

Nạn nhân vụ chìm tàu du lịch ở Hà Tĩnh được cứu (Ảnh: Biên phòng cung cấp).
Những biến chứng thường gặp khi xảy ra sự cố trên biển
Các sự việc trên gây ra sự bàng hoàng, lo ngại trong cộng đồng. Khi có tai nạn trên biển, bài toán cứu hộ, cứu nạn thế nào để hiệu quả nhất là điều được nhà chức trách và dư luận đặt ra.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ThS.BS Trần Bá Lân, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), cho biết khi đi biển trong điều kiện thời tiết xấu như mưa bão, người dân đối diện với nhiều nguy cơ nghiêm trọng như lật thuyền, đuối nước, chấn thương, mất tích.
Khi ngâm lâu trong nước lạnh, hạ thân nhiệt là biến chứng thường gặp. Đồng thời, nguy cơ ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nhiễm trùng do nguồn nước ô nhiễm sau mưa bão cũng rất cao.
Trong trường hợp mưa bão bất ngờ, thủy triều lên cao hoặc có dòng chảy xiết, kể cả người tắm biển gần bờ cũng có thể bị cuốn ra xa và khó quay lại.

Khoảnh khắc một cháu bé gặp nạn trong vụ lật tàu ở Hạ Long được đưa lên vị trí an toàn (Ảnh: Cắt từ clip).
Để cấp cứu người gặp nạn trên biển, ngay khi tiếp cận nạn nhân, lực lượng y tế cần kiểm tra hô hấp và tuần hoàn. Nếu nạn nhân bất tỉnh và ngừng thở, phải tiến hành hồi sức tim phổi bằng ép tim và thổi ngạt.
Nếu tỉnh, cần thay quần áo khô, giữ ấm, trấn an tinh thần và cho nạn nhân uống nước ấm nếu còn khả năng uống. Những người bị viêm phổi hít, hạ thân nhiệt nặng hoặc tổn thương não cần điều trị chuyên sâu tại bệnh viện.
Cố gắng cấp cứu trong "thời gian vàng"
BS.CK1 Trương Hoài Sơn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, phân tích, khi phát hiện và tiếp cận được nạn nhân, người hỗ trợ cần đánh giá hiện trường có an toàn hay không, để đưa họ đến nơi an toàn nhất có thể.
Nếu nạn nhân hít phải nước biển, hãy đặt nghiêng người họ, vỗ lưng để tống nước. Sau đó sơ cứu phù hợp trong từng trường hợp bất tỉnh hoặc tỉnh táo (theo hướng dẫn đã nêu trên). Cần hạn chế cõng bệnh nhân di chuyển nhiều nơi, vì sẽ không đem lại lợi ích gì mà chỉ làm trễ thời gian cấp cứu.
Khi đã được đội ngũ y tế tiếp cận, bệnh nhân sẽ được thăm khám chuyên sâu để xử lý theo từng triệu chứng tương ứng.
Cụ thể, nếu bệnh nhân giảm oxy trong máu sẽ được điều trị bằng liệu pháp oxy. Nếu có tình trạng viêm phổi, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc uống, kháng sinh và chăm sóc hô hấp tích cực.
Nếu bị hạ thân nhiệt, bệnh nhân sẽ được truyền dịch ấm, đắp chăn giữ nhiệt, cho sưởi đèn hồng ngoại. Trong trường hợp có chấn thương, người bị nạn trên biển sẽ được kiểm tra, đánh giá và xử trí các thương tổn đi kèm.
Song song đó, vấn đề can thiệp tâm lý, theo dõi stress hậu sang chấn cũng rất quan trọng.
Bác sĩ Sơn nhấn mạnh, với người gặp nạn trên biển, việc tiếp cận sớm trong "thời gian vàng" sẽ tăng tỷ lệ sống còn của bệnh nhân, vì nguyên tắc của cứu hộ, cứu nạn là “càng nhanh, càng tốt”. Việc cấp cứu chuẩn và nhanh chóng trong 5 phút đầu tiên có thể cứu sống 80% nạn nhân bị ngừng tim, ngạt nước.
Bởi tổn thương não sẽ xảy ra sau khi ngưng tim, ngưng thở 4-6 phút. Nếu trễ quá 10 phút, nguy cơ tổn thương não không hồi phục rất cao.

Một nạn nhân trong vụ lật tàu ở Hạ Long được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Làm gì khi mắc kẹt lâu dưới biển?
Bác sĩ Phạm Hoàng Thiên, chuyên khoa Cấp cứu một bệnh viện ở TPHCM lưu ý thêm, người dân nếu không may gặp phải sự cố lật tàu thuyền hay rơi xuống biển, cần nắm một số mẹo sinh tồn quan trọng.
Theo đó, trường hợp mắc kẹt lâu bên trong tàu, hãy gõ liên tục vào kim loại 3 tiếng/lần rồi dừng nghỉ. Đây là tín hiệu cứu nạn theo thông lệ quốc tế. Không hét liên tục nếu đang ở không gian kín vì sẽ gây tốn oxy. Chỉ lặn khi thật sự biết đường ra. Nếu không, hãy ở lại với túi khí và chờ cứu hộ.
Ngoài ra, cần biết cách giữ nổi khi ra khỏi tàu mà không có áo phao. Cụ thể, phải nắm vững tư thế nổi ngửa (ngửa người, dang rộng tay và chân; thả lỏng, đầu ngửa lên để miệng và mũi trên mặt nước; thở đều, chậm); tư thế nổi ôm vật nổi (ôm vật nổi vào ngực; giữ thân mình cân bằng theo vật).
Trong trường hợp đủ điều kiện, có thể tận dụng quần áo tạo phao tạm, bằng cách buộc chặt ống quần jean hoặc áo dài tay, rồi vung vào không khí để tạo túi khí tạm. Cách này có thể giữ nổi vài phút.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng chống tai nạn trong mùa mưa bão và khi đi biển du lịch, người dân cần theo dõi sát dự báo thời tiết, nếu có mưa bão, áp thấp hãy tạm hoãn; chọn đơn vị du lịch uy tín, tàu có trang bị đầy đủ áo phao, cứu sinh; tập huấn kỹ năng sinh tồn cơ bản cho cả gia đình.
Trong chuyến đi, bạn hãy luôn mặc áo phao khi ở gần mặt nước, không đi tàu nhỏ, tàu quá tải; mang theo thuốc cá nhân, tránh uống rượu bia gây mất kiểm soát. Ngoài ra, gia đình nên chuẩn bị sẵn thuốc men, đèn pin, nước sạch và thực phẩm khô để phòng khi có sự cố bất ngờ xảy ra.