Phát biểu tại Hội thảo "Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường" diễn ra sáng 6/12, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí có người nói với tôi là khó khăn hơn cả 10 năm trước (giai đoạn 2010-2012).
Theo TS. Cung, nguyên nhân là do cầu bên ngoài suy giảm mạnh hơn (10 năm trước tăng trưởng xuất khẩu liên tục hai con số); giá đầu vào, nhất là nhập khẩu tăng cao hơn; tất cả chi phí đầu vào đều tăng cao hơn nhiều tốc độ tăng CPI; tiếp cận vốn tất cả các kênh đều khó hơn, thậm chí tắc nghẽn. Đối với tín dụng ngân hàng, trước đây có tài sản thế chấp là được vay; nay có thế chấp cũng không vay được.
Doanh nghiệp đầu tư công thì cho biết, "không làm thì chết và làm cũng chết”. Tức là không làm đương nhiên là sẽ "chết" còn làm sẽ dẫn đến thua lỗ, làm hao mòn năng lực của doanh nghiệp. Giải ngân chậm, thủ tục phiền hà và chỉ theo đợt, không theo khối lượng xây lắp hoàn thành. Các doanh nghiệp từ cung cấp đất, đá sỏi và vật liệu, máy móc, nhà thầu... đều nợ lẫn nhau, (nợ theo quy trình), chỉ được trả khi giải ngân.
Doanh nghiệp phải vay ngân hàng, đến hạn không được vay đáo hạn; bị hạ bậc tín nhiệm; không được vay tiếp. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, các quy định liên quan đến đầu tư, đất đai,...trở nên khắt khe hơn và chi phí tuân thủ cao hơn so với trước, TS. Cung chỉ ra.
Hậu quả là doanh nghiệp giải thể, phá sản, thu hẹp sản xuất (kể cả FDI), sa thải lao động, giảm giờ làm; thu nhập giảm; hàng chục nghìn công nhân được nghỉ tết có thể nhiều tháng liên tiếp.
TS. Cung cho hay, trong 9 tháng đầu năm, những yếu tố giúp kinh tế hồi phục nhanh chỉ là nhất thời vì những yếu tố đó không còn hỗ trợ từ quý IV/2022 và các năm tiếp theo. Chúng ta không nên đánh giá quá lạc quan với những thành tựu nhất thời đó vì sẽ dẫn đến chính sách không phù hợp.
Ông cũng nêu vấn đề trong giai đoạn trước, Chính phủ luôn nhấn mạnh rằng, trong vòng một năm doanh nghiệp chỉ bị kiểm tra, thanh tra một lần còn bây giờ việc thanh tra, kiểm tra diễn ra quá nhiều.
Bên cạnh đó, theo TS. Cung, cơ quan quản lý cũng chưa linh hoạt trong điều chỉnh một số chính sách và cách thức quản lý, điều hành phát triển kinh tế xã hội (giá vật liệu xây dựng, room tín dụng, tỷ giá, mục tiêu lạm phát..., hay một số nội dung của chương trình phục hồi không còn phù hợp, mà không được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi,...).
10 năm tới phải phát triển các thị trường nhân tố sản xuất
Nguyên Viện trưởng CIEM kiến nghị, Chính phủ cần đảm bảo cả ba nhiệm vụ: Ổn định môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Để làm được điều này, ông Cung cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; phục hồi kinh tế, tăng trưởng nhanh, bền vững và giải quyết vấn đề xã hội vẫn là mục tiêu hàng đầu. Tuy nhiên, TS. Cung lưu ý, các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô cần linh hoạt hơn chứ không quá cứng nhắc.
"Các yếu tố tác động đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu đến từ bên ngoài nên cần điều hành theo thị trường chứ không nên đè nén thị trường, vì vậy phải linh hoạt hơn", ông cung nói.
Thứ hai là cần có cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh đủ mạnh, nhất quán theo thị trường và phải nâng cao hơn hiệu quả quản trị quốc gia và hiệu lực quản trị nhà nước trong đó tập trung vào tự do kinh doanh.
"Trước đây 10 năm cải cách thể chế vẫn là khâu đột phá nhưng trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh còn trong 10 năm kể từ đây trọng tâm phải là là phát triển các thị trường nhân tố sản xuất để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bố, sử dụng nguồn lực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn là đảm bảo quyền tự do kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ,..", ông Cung cho hay.
Thứ ba là cần "hoá giải" nỗi sợ của các cán bộ địa phương, nhà đầu tư, sợ thanh tra, kiểm tra, sợ làm sai. Cần xoá bỏ tâm lý "làm ít tốt hơn làm nhiều, không làm tốt hơn làm".
Cuối cùng là cần truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả về sự cần thiết phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để phục hồi và duy trì tăng trưởng cao, bền vững. Không tô hồng mà cần đánh giá khách quan vấn đề để có giải pháp tốt hơn.
Những khó khăn, thách thức hiện tại đối với cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, những chỉ đạo của Thủ tướng, những nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, và địa phương, các thực tiễn tốt trong cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh cần được lan truyền mạnh mẽ, ông Cung kiến nghị.