Tại hội thảo "Nỗi lo lạm phát và Fed tăng lãi suất - Rủi ro hay cơ hội" do VNDirect tổ chức ngày 22/3, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính -Tiền tệ Quốc gia đã phân tích và đưa ra những dự báo về triển vọng kinh tế năm nay.
Giá dầu thế giới sẽ tăng 30 - 40% năm nay
Ông Lực cho biết kinh tế thế giới phục hồi nhanh trong năm 2021 (tăng trưởng đạt 5,7%), tuy nhiên năm nay sẽ giảm đà tăng trưởng. Theo dự báo từ IMF, Citigroup, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng đạt mức 4-4,5%, lạm phát tăng mạnh lên mức 3,5%, sau đó hạ nhiệt dần. Tuy nhiên dự báo này chưa tính đến tác động của xung đột Nga – Ukraine.
Chuyên gia cho rằng thế giới đối mặt các rủi ro chính, gồm dịch bệnh vẫn phức tạp; tình hình địa chính trị phức tạp, đặc biệt là xung đột Nga – Ukraine khiến giá dầu, giá vàng, giá chứng khoán biến động mạnh và khó đoán hơn; giá cả, lạm phát còn tăng; thu hẹp các gói hỗ trợ, mua tài sản và tăng lãi suất. Rủi ro cuối cùng là lợi nhuận biên của doanh nghiệp bị thu hẹp do chi phí đầu vào tăng nhanh, giá đầu ra không tăng được tương ứng.
Giá xăng dầu thế giới dự báo tăng bình quân 30-40% năm 2022. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm 1 điểm phần trăm, lạm phát tăng 1 điểm phần trăm.
"Lạm phát trên 4,5% vẫn chấp nhận vui vẻ"
Về kinh tế Việt Nam, ông Lực đánh giá có nhiều điểm sáng. Xuất khẩu vẫn tốt, đầu tư trong nước và nước ngoài về cơ bản tích cực. Tiêu dùng phục hồi nhưng chậm chạp hơn. Du lịch phục hồi dự báo tối đa 50%
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số điểm thách thức khó khăn như sức cầu vẫn rất yếu, bán lẻ tiêu dùng tăng thấp, thông thường tăng 10-12%, nhưng hiện nay chỉ tăng 1-3%. Doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau vẫn còn khó khăn như du lịch, giao thông vận tải, một số phân khúc của bán lẻ.
Ông cho hay các dự báo gần đây đều cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6-7%, lạm phát khoảng 4%. Tuy nhiên ông cùng nhóm chuyên gia có dự báo thận trọng hơn. Ở kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP sẽ đạt 5,7 - 6%, ở kịch bản tiêu cực chỉ đạt 4,5 - 5%.
Cũng với kịch bản dự báo giá xăng dầu thế giới tăng 30 - 40%, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng sẽ giảm 1,1 -1,3 điểm phần trăm, lạm phát tăng 0,8 - 1 điểm phần trăm.
Nói riêng về vấn đề lạm phát, ông Lực cho biết đã tư vấn với Chính phủ năm nay chấp nhận lạm phát ở mức 4,5%, thậm chí cao hơn.
"Vì đây là câu chuyện chúng ta muốn phục hồi, nếu lo lắng quá, dẫn đến bóp nghẹt, thắt chặt mọi thứ thì kinh tế không thể phục hồi. Như thế sẽ tắc rất nhiều thứ. Vì thế nếu lạm phát trên 4,5% vẫn chấp nhận vui vẻ", ông Lực nói và vẫn nhấn mạnh không thể chủ quan trước lạm phát.
Về lãi suất, lãi suất đầu vào đều đã tăng, lãi suất đầu ra không thể tăng được nhằm tiếp tục phục hồi hỗ trợ doanh nghiệp. Chính vì thế, theo ông Lực, NIM của hệ thống ngân hàng năm nay không được cao như hai năm vừa qua. Lợi nhuận từ tín dụng của ngân hàng sẽ không tốt như hai năm vừa qua. Vì thế ngân hàng sẽ phải thu lợi nhuận từ các kênh khác như kênh dịch vụ, kênh chuyển đổi số hay tiết kiệm chi phí,…
Đề cập đến các rủi ro, chuyên gia nhấn mạnh vẫn quan ngại lạm phát. Ngoài ra, chắc chắn phải theo dõi xung đột Nga – Ukraine vì sự kiện này có tác động ghê gớm.
Vấn đề lãi suất cũng phải để mắt tới nhưng không quá lo lắng. Theo ông, nên lưu ý việc nước ngoài đang tăng lãi suất như thế thì tác động như nào đến kinh tế Việt Nam.
Tổng dư nợ của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khoảng 110 tỷ USD, bao gồm cả gốc và lãi. Theo ông Lực, khi lãi suất tăng lên, nghĩa vụ trả nợ của khối doanh nghiệp sẽ tương đối nặng nề. Đáng chú ý trong số đó, 75% nợ doanh nghiệp hiện nay là từ FDI. Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải lưu ý về rủi ro bào mòn lợi nhuận, biên lợi nhuận thu hẹp. Ông cho rằng năm nay lợi nhuận chung của doanh nghiệp ở một số lĩnh vực ngành nghề không có lợi như hai năm vừa qua.
Đa số những lần tăng lãi suất, TTCK xu hướng vẫn tăng lên
Theo ông Lực đánh giá, ngân hàng trung ương các nước đang ở thế cực kỳ khó xử bởi tăng lãi suất sẽ giảm đà phục hồi vốn dĩ đã cực kỳ mong manh gập ghềnh. Tuy nhiên nếu không tăng thì lạm phát sẽ tăng lên. Vì vậy Fed đành đánh đổi và quyết định tăng lãi suất.
Đánh giá về tác động đến thị trường chứng khoán, ông Lực cho rằng đa số những lần tăng lãi suất, chỉ số chứng khoán có biến động nhưng xu hướng vẫn tăng lên.
"Đa số những lần tăng lãi suất, kể cả khi ngân hàng trung ương các nước thu hẹp chính sách tiền tệ, chỉ số chứng khoán có biến động nhưng xu hướng tăng lên. Vì khi đó người ta kỳ vọng kinh tế có vẻ đã ổn hơn, ngân hàng trung ương thật sự quan tân đến vấn đề lạm phát và nhà đầu tư yên tâm hơn với động thái chính sách đó. Xu hướng thị trường chứng khoán vẫn tăng lên", ông nói.
Về hiện tượng rút vốn, chắc chắn là có. Tuy nhiên với Việt Nam thì khả năng rút cũng không nhiều. Dù vậy ông đánh giá rủi ro địa chính trị có thể thay đổi hành vi của nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Hiện Việt Nam tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định nhưng lãi suất huy động đầu vào bắt đầu tăng. Ông Lực khẳng định thời kỳ tiền rẻ không còn nữa.