Sống

Trước sáp nhập, đây là tỉnh không có núi và chẳng giáp biển; Sau sáp nhập, lập tức giáp biển Đông, mở ra cơ hội phát triển kinh tế biển

Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, Hưng Yên là tỉnh duy nhất ở miền Bắc không có núi, không giáp biển và sở hữu diện tích nhỏ nhất cả nước. Tỉnh có đặc trưng thuần đồng bằng châu thổ sông Hồng, nổi tiếng với nhãn lồng, phố Hiến và những làng nghề trăm tuổi.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1/7/2025, bản đồ địa lý hành chính Việt Nam chính thức thay đổi khi Hưng Yên trở thành tỉnh tiếp giáp biển Đông. 

Đây là kết quả của Nghị quyết về sáp nhập tỉnh Thái Bình vào Hưng Yên vừa được Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ thông qua và công bố vào ngày 30/6/2025 tại Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh Hưng Yên.

Theo đó, sau sáp nhập, diện tích tỉnh Hưng Yên được mở rộng lên khoảng 2.514 km² với dân số hơn 3,5 triệu người. 

Đặc biệt, địa phương vốn không có biển này nay sở hữu đường bờ biển dài gần 52 km, trải dài qua khu vực Quang Lang, Cồn Vành và một số bãi biển đẹp thuộc địa phận Thái Bình cũ.

Việc Hưng Yên chính thức giáp biển được xem là sự kiện đặc biệt chưa từng có trên bản đồ địa lý hành chính miền Bắc. 

Từ một tỉnh thuần đồng bằng, Hưng Yên nay trở thành địa phương hội tụ đủ các yếu tố sông - biển - đồng bằng, mở ra cơ hội lớn phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển và du lịch sinh thái ven biển.

Sau sáp nhập, Hưng Yên giáp danh với các tỉnh Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng và biển Đông. Điều này giúp Hưng Yên sở hữu vị trí địa lý đặc biệt, đóng vai trò trung tâm giao thương, logistics giữa Thủ đô với các khu kinh tế ven biển khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Sáng 30/6, tại Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo tỉnh long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết và các quyết định của Trung ương, Chính phủ và địa phương về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, chấm dứt hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện trên toàn tỉnh. 

Buổi lễ được kết nối trực tuyến đến tất cả các xã, phường trong tỉnh nhằm phổ biến kịp thời những nội dung quan trọng của Nghị quyết.

Trong khuôn khổ buổi lễ, tỉnh cũng công bố quyết định thành lập tổ chức Đảng, chỉ định cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các đơn vị hành chính mới. 

Các nhân sự được lựa chọn đều đảm bảo trình độ, phẩm chất và năng lực thực thi nhiệm vụ trong điều kiện địa giới, dân số và bộ máy hành chính mới.

Việc sáp nhập Thái Bình vào Hưng Yên được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội phát triển cho địa phương. 

Cùng với việc sở hữu thêm đường bờ biển dài, Hưng Yên sẽ điều chỉnh lại các quy hoạch kinh tế - xã hội, tập trung vào phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics, thương mại và kinh tế biển, đồng thời ưu tiên đầu tư vào hạ tầng giao thông, cảng biển, du lịch ven biển tại các vùng như Quang Lang, Cồn Vành.

Song song với đó, tỉnh cũng chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Hưng Yên - Thái Bình xưa, gìn giữ bản sắc làng cổ, di tích lịch sử và các làng nghề truyền thống. Việc phát triển kinh tế hiện đại hài hòa với bảo tồn văn hóa di sản sẽ giúp Hưng Yên phát triển bền vững, ổn định lâu dài.

Đây không chỉ là một bước đi thực hiện hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề về tinh gọn bộ máy, mà còn là cột mốc lịch sử mới của dân tộc, thể hiện quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Trung ương trong việc sắp xếp lại địa giới hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị và tạo động lực mới cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Ứng Hà Chi 





Các tin khác

Sau nhà phố, biệt thự đến lượt đất nền phía Tây TPHCM chạy đua bung hàng, cả thị trường địa ốc đang sợ lỡ nhịp “sóng” mạnh nhất năm 2025?

Đúng như dự đoán trước đó, việc sáp nhập tỉnh, thành trở thành động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản tại các địa phương. Đối với doanh nghiệp, đây là cơ hội khó bỏ lỡ để “đi trước đón đầu” trong thế vận mới của thị trường địa ốc.

Từ 1/7, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 25% trên tiền lương: Thay đổi lớn ảnh hưởng hàng triệu người

Từ ngày 1/7/2025, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, tổng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ là 25% trên tiền lương làm căn cứ đóng, với nhiều thay đổi quan trọng về cách tính mức đóng, thời hạn nộp và quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động.