Xã hội

Trung Quốc trở lại thành thị trường có lượng khách du lịch đến Việt Nam lớn nhất

Theo Cục Thống kê, Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế hoàn thành khoảng 50% chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2025.

Đáng chú ý, sau 4 năm từ dịch COVID-19, Trung Quốc đã quay trở thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 2,7 triệu lượt (chiếm 25,6%), tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2024 và cao hơn so với cùng kỳ 2019 (đạt 2,48 triệu lượt) – tăng gần 9%.

10 thị trường gửi khách hàng đầu 6 tháng đầu năm 2025, đơn vị: nghìn lượt. (Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam)

Phục hồi về mức trước đại dịch

Trao đổi với người viết, TS. Jackie Lei Tin Ong, Giảng viên cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam đang trên đà phục hồi về mức trước đại dịch (khoảng 5,8 triệu lượt khách vào năm 2019), hoặc thậm chí có thể vượt qua mức này vào cuối năm nay.

Lý giải về dự báo này, TS. Jackie Lei Tin Ong cho rằng, sau đại dịch, khách du lịch Trung Quốc đã trở nên có chọn lọc hơn, có ý thức về sức khỏe và thành thạo kỹ thuật số hơn. Nhiều du khách giờ đây thích du lịch theo các nhóm nhỏ hoặc du lịch gia đình, ưu tiên tính an toàn và tìm kiếm những trải nghiệm có ý nghĩa và chất lượng cao hơn so với du lịch đại chúng thông thường.

Họ cũng phụ thuộc rất nhiều vào các công cụ kỹ thuật số và sử dụng các nền tảng như Ctrip, WeChat, Douyin hay Xiaohongshu để lấy cảm hứng du lịch, lập kế hoạch và đặt chỗ.

Trước tình hình như vậy, ngành du lịch Việt Nam đã chủ động điều chỉnh chiến lược để đáp ứng thị hiếu đang thay đổi. Các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã tăng cường sự hiện diện của họ trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, triển khai các chiến dịch có mục tiêu và hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng để tiếp cận du khách am hiểu công nghệ.

Việt Nam hiện cung cấp các lựa chọn thị thực điện tử linh hoạt hơn và dài ngày hơn, giúp việc nhập cảnh thuận tiện hơn. Đồng thời, các tuyến bay thẳng giữa các thành phố lớn của Trung Quốc và Việt Nam đã được khôi phục và mở rộng với các đường bay charter giữa Hà Nội - Hải Khẩu, Hải Phòng - Lệ Giang, ...nhằm tăng cường khả năng tiếp cận khách ở các tỉnh thành.

Trên thực tế, các điểm đến như Đà Nẵng, Hạ Long và Nha Trang đã cải thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào sử dụng các dịch vụ tiếng Trung, bao gồm nhân viên nói tiếng Quan Thoại, khả năng tương thích với China UnionPay và đào tạo cách phục vụ khách phù hợp với văn hóa.

“Những nỗ lực này phản ánh cách tiếp cận linh hoạt và tập trung vào khách hàng của ngành du lịch Việt Nam, góp phần đảm bảo Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu của khách Trung Quốc trong thời kỳ hậu đại dịch”, vị chuyên gia này nêu rõ.

TS. Jackie Lei Tin Ong, Giảng viên cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam. (Nguồn: Đại học RMIT Việt Nam)

Trao đổi với người viết, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB),  sau đại dịch, nhận thức về an toàn sức khỏe và vệ sinh của khách Trung Quốc tăng cao. Các điểm đến có biện pháp kiểm soát dịch bệnh tốt, môi trường sạch sẽ, và an ninh đảm bảo được ưu tiên.

Vì vậy, ngành du lịch Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phục vụ khách Trung Quốc. Nhiều địa phương đã phát triển sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của khách du lịch Trung Quốc. Nhiều điểm đến như Tràng An – Bái Đính, Sa Pa, Phú Quốc... đã đưa ra các gói du lịch thiên nhiên, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, golf, tour tâm linh phù hợp với nhu cầu mới.

Nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng và điểm tham quan đã tăng cường nhân sự biết tiếng Trung, chấp nhận thanh toán qua WeChat Pay, Alipay, cung cấp bảng chỉ dẫn song ngữ và hướng dẫn viên được đào tạo kỹ hơn về văn hóa Trung Quốc.

Nhiều đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được khôi phục và tăng tần suất, trong đó có các điểm đến lớn như Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thành Đô. Một số hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc hợp tác mở các đường bay thẳng mới đến Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc.

" Với những thay đổi này, du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đang phục hồi tích cực cả về quy mô và tốc độ. Không chỉ là sự quay lại của một thị trường truyền thống, mà còn thể hiện niềm tin ngày càng tăng của du khách Trung Quốc vào Việt Nam như một điểm đến gần gũi, an toàn, chi phí hợp lý và giàu trải nghiệm văn hóa", ông Chính nêu rõ. 

Nâng cao giá trị thay vì chạy theo số lượng 

Tuy nhiên, theo ông Chính, để thị trường này phát triển bền vững, hiệu quả, cả về lượng và chất, ngành du lịch cần triển khai một loạt giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược dài hạn.

Trước hết, cần định vị lại thị trường khách Trung Quốc, không nên nhìn đây là dòng khách đại trà, chi tiêu thấp như giai đoạn trước đại dịch. Thực tế cho thấy tầng lớp trung lưu, giới trẻ và khách du lịch cá nhân từ Trung Quốc đang tăng nhanh, với nhu cầu rõ ràng về trải nghiệm khác biệt, chất lượng dịch vụ, tính cá nhân hóa và giá trị văn hóa.

Thứ hai, Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm và điểm đến, hướng đến các loại hình như du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng cao cấp, golf, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe và MICE, thay vì chỉ tập trung vào các tour ngắn ngày theo mô hình truyền thống trước đây.

Bên cạnh đó, đầu tư vào hạ tầng công nghệ số, như thanh toán điện tử phổ biến ở Trung Quốc, nền tảng đặt dịch vụ trực tuyến, hướng dẫn thông minh bằng tiếng Trung... cũng sẽ đóng vai trò quan trọng để nâng cao trải nghiệm khách.

Thứ ba, cần siết chặt kiểm soát chất lượng dịch vụ và chống tour giá rẻ, vốn gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh điểm đến. Việc tạo dựng niềm tin từ du khách đòi hỏi một môi trường du lịch minh bạch, an toàn, thân thiện và chuyên nghiệp.

Cuối cùng, chính sách visa thuận lợi sẽ góp phần thu hút thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam. Tiếp tục duy trì và mở rộng chính sách thị thực điện tử hoặc miễn visa cho khách đoàn Trung Quốc để tăng tính cạnh tranh so với các điểm đến như Thái Lan, Malaysia. Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đường bộ tại các cửa khẩu như Móng Cái (Quảng Ninh) để thu hút khách từ các tỉnh lân cận Trung Quốc.

“Muốn khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, Việt Nam không chỉ nghĩ đến “đón đông” mà phải “đón đúng”, đó là đúng phân khúc, đúng nhu cầu và đúng kỳ vọng của khách du lịch. Đó là con đường để nâng cao giá trị thay vì chỉ chạy theo số lượng”

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Để tăng cả số lượng và chất lượng du khách Trung Quốc, Giảng viên cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng việc tăng cường hợp tác với các công ty lữ hành và nền tảng số của Trung Quốc là rất quan trọng để cải thiện chất lượng tour du lịch, ngăn chặn các hoạt động có giá trị thấp như tour du lịch “không đồng” và điều chỉnh dịch vụ theo sở thích của du khách.

Dựa trên các quan hệ đối tác này, Việt Nam có thể tăng cường sự hiện diện kỹ thuật số trên các nền tảng như WeChat, Weibo, Douyin và Xiaohongshu. Nội dung được cá nhân hóa và tiếp thị qua KOL (người có tầm ảnh hưởng) có thể truyền tải thông điệp về sự an toàn, văn hóa phong phú và trải nghiệm đa dạng ở Việt Nam, thu hút các gia đình, dân văn phòng trẻ tuổi và du khách hạng sang.

"Những nỗ lực này sẽ giúp Việt Nam có được sự hiện diện du lịch đáng tin cậy, hấp dẫn và được quản lý tốt tại thị trường Trung Quốc", TS. Jackie Lei Tin Ong kỳ vọng. 

Các tin khác

Triệt phá nhóm lừa đảo, rửa tiền quy mô 1.200 tỷ đồng: Đối tượng cầm đầu chuyên code web đồi truỵ

Kết quả điều tra xác định: Các đối tượng có trình độ hoặc am hiểu, yêu thích tìm hiểu công nghệ thực hiện hành vi phạm tội thông qua việc quản trị hệ thống trung gian thanh toán trái phép hoạt động online được tích hợp trực tiếp với các cổng game online trái phép - địa chỉ IP ở nước ngoài.

Miền Bắc mưa lớn đỉnh điểm

Từ sáng nay (11/7) đến đêm mai sẽ là đỉnh điểm đợt mưa lớn đang diễn ra ở miền Bắc. Mưa xuất hiện theo đợt với cường độ mưa vừa, mưa to đến rất to. Trọng tâm mưa là các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh.

Giá xăng dầu đồng loạt tăng

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu chiều nay 10.7, giá xăng dầu đồng loạt được điều chỉnh tăng, trừ giá dầu mazut 180CST 3.5S.

Giá vàng quay đầu giảm

Sáng nay (10/7), giá vàng trong nước lại quay đầu giảm nhẹ. Theo đó, vàng miếng SJC mất mốc 121 triệu đồng/lượng nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới gần 15 triệu đồng/lượng.

‘Siêu’ dự án Tây Hồ Tây được giao thêm đất xây cao ốc

Trong gần 70.000 m2 đất giao cho Công ty TNHH Phát triển THT để thực hiện Dự án Khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây (giai đoạn 2) có khu đất xây nhà ở cao tầng; xây khu hỗn hợp dịch vụ công cộng, thương mại kết hợp nhà ở cao cấp...