Ông Li Chao, đại diện Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cho biết Trung Quốc đã khẳng định vị thế dẫn đầu toàn cầu trong phát triển cơ sở hạ tầng sạc xe điện, với mạng lưới có quy mô lớn nhất thế giới xét theo số lượng trạm sạc, phạm vi phục vụ và chủng loại sạc.
Tính đến cuối tháng 5/2024, tổng số trạm sạc tại Trung Quốc đã đạt 9,92 triệu, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trạm sạc công cộng đạt 3,05 triệu (tăng 46%) và trạm sạc tư nhân đạt 6,87 triệu (tăng 61%).
Số điểm sạc công cộng tại Trung Quốc nhiều gấp ba lần tổng số tại châu Âu (900.000) và Hoa Kỳ (181.118) cộng lại. Mật độ điểm sạc cũng vượt trội, với một trạm công cộng cho mỗi 9,4 xe EV, so với 16,6 xe tại châu Âu và 20,6 xe tại Mỹ.
Ông Li cho hay NDRC cùng các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cấp mạng lưới sạc. Trung Quốc dự kiến bổ sung thêm 3.000 trạm sạc và 5.000 bãi đỗ xe tích hợp trạm sạc tại các khu vực dọc theo đường cao tốc.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ để thúc đẩy doanh số bán xe điện trong nước. Đáng chú ý, 6,44 tỷ nhân dân tệ (tương đương 889,02 triệu USD) đã được phân bổ cho chương trình “đổi xe cũ lấy xe mới” trong năm 2024.
Theo kế hoạch hành động giảm phát thải carbon, Trung Quốc sẽ dần gỡ bỏ các hạn chế về việc mua xe năng lượng mới tại nhiều địa phương, tạo thêm động lực cho ngành công nghiệp xe điện phát triển mạnh mẽ.
Chính sách phát triển trạm sạc
NDRC mới đây đã ban hành các chỉ đạo chiến lược nhằm tối ưu hóa nguồn lực và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông.
Chỉ thị mới khuyến khích các nhà khai thác có kinh nghiệm và năng lực tham gia đầu tư, xây dựng và vận hành trạm sạc. Điều này không chỉ giúp đảm bảo chất lượng dịch vụ mà còn thúc đẩy tiến độ mở rộng mạng lưới.
Chính sách tập trung mở rộng mạng lưới sạc nhanh công suất cao, ưu tiên cho phương tiện giao thông công cộng, xe logistics và xe thương mại hạng trung đến hạng nặng.
Đặc biệt, NDRC yêu cầu các mạng sạc công suất cao do nhà sản xuất EV xây dựng phải mở cửa phục vụ công cộng, không được phân biệt đối xử giữa các hãng xe. Chính sách này nhằm giải quyết tình trạng phân mảnh mạng sạc, một rào cản lớn đối với việc phổ cập xe điện tại nhiều quốc gia.
Ngoài ra, nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng, chính phủ cũng khuyến khích tích hợp trạm sạc với các dịch vụ tiện ích như ăn uống, mua sắm, bảo dưỡng ô tô... nếu điều kiện địa điểm cho phép.
Một nghiên cứu năm 2024 cho thấy việc lắp đặt trạm sạc EV có thể giúp gia tăng chi tiêu tại các cơ sở thương mại lân cận thêm 1,4% mỗi năm (tương đương 1.478 USD), trong đó những doanh nghiệp nằm trong bán kính 100m ghi nhận mức tăng lên tới 2,7%. Đây là động lực lớn để các chủ bất động sản thương mại ủng hộ triển khai cơ sở hạ tầng sạc.
Cách tiếp cận đồng bộ này giúp Trung Quốc tránh được tình trạng như ở một số nước khác, nơi các trạm sạc tập trung chủ yếu ở các khu vực có thu nhập cao.
Ngoài ra, việc tập trung vào hạ tầng sạc công suất cao cho ngành logistics và vận tải hạng nặng là bước đi quan trọng trong chiến lược điện khí hóa giao thông vận tải của Trung Quốc. Dù xe chở khách chiếm đến 78% trong tổng số 217 triệu xe đang lưu hành, các phương tiện hạng nặng lại đóng góp không cân xứng vào lượng khí thải và tiêu thụ nhiên liệu.
Chính sách mới phù hợp với mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là đạt 80 triệu xe điện lưu thông trên đường vào năm 2030, đòi hỏi một mạng lưới cơ sở hạ tầng đầy đủ cho mọi loại phương tiện.
Bằng việc ưu tiên sạc công suất cao cho các ứng dụng thương mại, thay vì chỉ tập trung vào phân khúc xe cá nhân, Trung Quốc đang giải quyết trực diện những thách thức lớn nhất trong quá trình điện khí hóa ngành vận tải.
(Theo GT, Techaisa)