Doanh nghiệp

Trung Quốc dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới

Số liệu trên vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố về tình hình đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong nửa đầu năm. Theo báo cáo này, trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 21,51 tỉ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong đó, có gần 9,3 tỉ USD vốn đăng ký mới của 1.988 dự án; 8,95 tỉ USD vốn điều chỉnh của 826 lượt dự án và 3,28 tỉ USD vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần.

Đáng lưu ý, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong 6 tháng qua cũng tăng mạnh, cao nhất so cùng kỳ của 5 năm qua, ước đạt khoảng 11,72 tỉ USD, tăng 8,1%.

Chiếm hơn 30%, Trung Quốc dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới- Ảnh 1.

Thu hút đầu tư nước ngoài tính theo tháng kể từ đầu năm tới nay.

Một điểm đáng chú ý là vốn đăng ký mới vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm là 9,6%. Nguyên nhân chủ yếu là do trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng các dự án cấp mới có vốn đăng ký lớn trên 100 triệu lớn nên tổng vốn đăng ký mới cao (trong 6 tháng 2024, cấp mới 18 dự án trên 100 triệu USD với tổng số vốn là 5,12 tỉ USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư).

Trong khi đó, trong 6 tháng năm nay, chỉ cấp mới 15 dự án trên 100 triệu, với tổng vốn đăng ký là 3,2 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư.

Tuy vậy, bù lại cả vốn điều chỉnh và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đều tăng mạnh so với cùng kỳ, tương ứng tăng gấp 2,2 lần và tăng 73,6%.

Chiếm hơn 30%, Trung Quốc dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới- Ảnh 2.

Đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 50% vốn FDI vào Việt Nam trong 6 tháng qua

ẢNH: NGỌC THẮNG

Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét, các dữ liệu cho thấy, niềm tin ngày càng gia tăng của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế với Việt Nam. Nhà đầu tư không chỉ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến mới mà còn sẵn sàng mở rộng quy mô các dự án hiện hữu.

Theo đối tác đầu tư, đến nay, nhà đầu từ Singapore vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 4,6 tỉ USD, chiếm hơn 21,4% tổng vốn đầu tư, giảm 24,8% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3 tỉ USD, chiếm gần 14,3% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, (2,55 tỉ USD), Nhật Bản (2,15 tỉ USD), Malaysia (1,59 tỉ USD).

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, Malaysia và Thụy Điển ghi nhận mức tăng FDI đột biến. Malaysia tăng 20 bậc so với cùng kỳ, nổi bật với dự án xây dựng Công viên Yên Sở tại Hà Nội (tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng 1,12 tỉ USD), điều chỉnh vốn trong tháng 5. Thụy Điển tăng 59 bậc với dự án cấp mới lớn trong tháng 6 là Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester (tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD) đầu tư lĩnh vực sản xuất polyester tái chế, tái chế phế liệu dệt may thành hạt nhựa tại Khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định.

Đáng lưu ý, xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 30,1%, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 18,5%) và số giao dịch góp vốn mua cổ phần (chiếm 26,5%).

6 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 12 tỉ USD, chiếm 55,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 3,9% so với cùng kỳ; ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,17 tỉ USD, chiếm 24% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. 



Các tin khác

Chứng khoán tuần tới tăng hay giảm?

Tuần qua, thị trường chứng khoán trải qua nhiều phiên giao dịch tích cực, tuần tới, sự chú ý sẽ chuyển sang kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết.

13 đặc khu của Việt Nam: Kiên Hải - đặc khu ít nghe tên

Ngay từ khi còn là huyện thuộc tỉnh Kiên Giang, cũng rất ít người biết đến Kiên Hải. Nay lên đặc khu, đứng cùng các đặc khu quan trọng khác, nhưng các thông tin và nhất là định hướng phát triển của đặc khu Kiên Hải vẫn chưa cụ thể.

3 không khi dùng iPhone để tránh gặp rắc rối

Tùy tiện bật hoặc sử dụng không đúng cách một số tính năng iPhone có thể dẫn đến các vấn đề về quyền riêng tư, hiệu suất, hoặc thậm chí gây phiền toái không đáng có.