Người mẹ chạy lại nói với Hưng "Cháu nhỏ chưa biết gì" rồi bế con đi, để người đàn ông 34 tuổi đứng như trời trồng.
Đây không phải lần đầu Hưng gặp tình huống như vậy.
Cách đây không lâu, khi xếp hàng trong một trung tâm thương mại, hai đứa trẻ đứng sau anh đùa nhau, thỉnh thoảng thúc cùi chỏ vào lưng Hưng. Vài lần đầu anh không nói gì, nhưng một lần bị thúc quá đau, anh quay sang nhắc nhở. Ngay lập tức, mẹ của hai đứa trẻ nói vọng lên: "Trẻ con chưa biết gì, nghịch ngợm chút thôi sao phải gay gắt?".
Không muốn tranh cãi với phụ nữ nơi công cộng, Hưng im lặng. Nhưng vợ anh - Tuyết Mai - không muốn mọi việc kết thúc như vậy. Cô lùi lại phía sau, lấy cùi chỏ thúc vào lưng người mẹ của hai đứa trẻ, nói: "Cũng chỉ đau và khó chịu như thế này thôi. Nếu cô không dạy được con mình thì để tôi dạy".
Lập tức hai người phụ nữ xảy ra cự cãi.
Mai nói, cô không biết hai đứa trẻ vô tình hay cố ý thúc vào lưng chồng mình vì hành động đó lặp lại nhiều lần. Nhưng dù thế nào, đó là việc khiến người khác khó chịu, cha mẹ phải có trách nhiệm với hành động của con và yêu cầu con xin lỗi. Phản bác lại, người mẹ nói trẻ còn nhỏ, chưa phân biệt được đúng sai, người lớn cần bao dung. "Tôi không có huyết thống hay họ hàng với chị nên không có nghĩa vụ phải chiều chuộng bọn trẻ. Con chị sai phải chịu phạt", Mai gay gắt.
Thấy thái độ không khoan nhượng của Mai, người mẹ miễn cưỡng yêu cầu hai con xin lỗi.
Gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ nhiều câu chuyện tương tự. Hành vi của những đứa trẻ có thể là vô tình, nhưng sự bao che của cha mẹ với quan điểm "trẻ con chưa biết gì" khiến nhiều người bức xúc.
Bình luận về những vụ việc này, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương (Hà Nội) cho rằng khi con cái mắc lỗi, cha mẹ bênh vực và yêu cầu mọi người phải bao dung hành vi đó bằng câu nói "trẻ con chưa biết gì" là không chấp nhận được.
"Đứa trẻ sẽ cảm thấy hóa ra làm phiền, thậm chí làm hại người khác là việc bình thường, không phải trả giá. Dù làm gì sai, bố mẹ cũng sẵn sàng bênh vực mình", bà Hương nói và khẳng định đó là sự thất bại của giáo dục.
Theo chuyên gia, mọi người không có trách nhiệm gánh chịu hậu quả do việc làm của con cái người khác gây ra. Câu nói "trẻ con không biết gì" không phải bao biện cho con trẻ mà cho chính bản thân cha mẹ, vì họ đã không hoàn thành trách nhiệm giáo dục con cái. Với câu nói này, họ tự biến mình thành nạn nhân cũng như đổ trách nhiệm cho người khác.
"Con người khi sinh ra, khả năng duy nhất có được là mút, để mút sữa, uống nước. Mọi thứ khác đều phải học, quan trọng nhất là học nguyên tắc "được - cấm - phải". Cái gì được làm, cái gì cấm làm và cái gì phải làm", bà Hương khẳng định. Trẻ cần được dạy dỗ từ sớm những nguyên tắc này để biết cách tôn trọng người khác, cũng như để chính bản thân chúng được an toàn.
Cùng quan điểm, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, hành xử của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và hành động của trẻ nhưng tai hại nhất là câu nói "trẻ con chưa biết gì".
Theo ông, câu nói trên như một lời bao biện, bào chữa cho hành vi xấu của con. Cha mẹ trẻ cảm thấy lòng tự trọng và thể diện của trẻ sẽ tổn thương nếu như bị người khác chất vấn. Trong mắt những cha mẹ này, chỉ khi làm hại người khác, đập phá đồ đạc... gây hậu quả nghiêm trọng mới phải chịu trách nhiệm, còn những việc lặt vặt là "sự cố không may, không đáng truy cứu".
"Cha mẹ sai lầm, như thùng thuốc nhuộm khiến con cái mất đi sự ngây thơ, trở nên ích kỷ thậm chí độc ác", nhà tâm lý nhận xét. Theo ông, cách nhanh nhất để hủy hoại một đứa trẻ là bố mẹ không khuyên can, thậm chí xí xóa khi trẻ mắc những lỗi lầm đầu tiên.
Bố mẹ cậu bé Huy Khánh, 7 tuổi, ở Hà Nội cũng luôn muốn người khác xí xóa cho lỗi lầm của con trai mình, bởi cho rằng cậu còn nhỏ, suy nghĩ non nớt.
Một lần Khánh đến nhà bạn chơi, thấy bạn cầm cốc nước trên tay, cậu lao đến khiến người bạn giật mình, nước bắn lên tay gây bỏng. Lúc gọi điện hỏi thăm, bố mẹ Khánh chỉ cười xòa: "Cháu nhỏ chưa biết gì, đùa vui với nhau thôi". Vì hai đứa trẻ là bạn, cũng không gây hậu quả nghiêm trọng nên bố mẹ người bạn bỏ qua.
Với hành vi này, chuyên gia Vũ Thu Hương cho rằng đây không phải là vui đùa. Trẻ có thể trêu bạn nhưng không được làm phiền hay gây hậu quả xấu. Dưới bất kỳ hình thức nào, làm phiền người khác là hành vi không chấp nhận được.
"Bố mẹ có thể nuông chiều, bỏ qua cho hành động làm phiền của trẻ nhưng xã hội thì không. Không phải lúc nào trẻ mắc sai lầm cũng gặp được người sẵn sàng bỏ qua cho chúng", bà Hương khẳng định.
Chuyên gia Vũ Thu Hương cho rằng, hậu quả của những việc làm gây phiền tới người khác không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn mà còn liên quan trực tiếp đến sự tự tin của trẻ sau này. Trẻ không phép tắc sẽ không được người khác tôn trọng, thậm chí phải nhận thái độ khó chịu hoặc khinh thường. Lâu dần, trẻ sẽ mất đi sự tự tin, dễ bị cô lập trong tập thể.
Để khắc phục tình trạng này, theo chuyên gia, khi bố mẹ chưa dạy con những quy tắc tránh làm phiền người khác, không nên để con tiếp xúc với cộng đồng. Khi con buộc phải tiếp xúc, bố mẹ cần có sự quản lý, giám sát để trẻ không gây ảnh hưởng đến mọi người. Còn khi trẻ đã gây phiền hà cho người khác, đầu tiên phải dạy cách xin lỗi, tiếp theo là nghiêm khắc xử lý hành vi của con để trẻ nhận ra sai lầm và tránh lặp lại.
Khi đến nơi công cộng, bố mẹ phải có quy định chặt chẽ hơn với trẻ nhỏ. Ví dụ con phải ngồi cạnh bàn của bố mẹ, tuyệt đối không đi ra khỏi chỗ, không được nói to, không được phá phách... gây ảnh hưởng đến mọi người. Dạy con các quy tắc "được - cấm - phải" từ sớm để chúng biết việc gì được làm và việc gì không được làm, đặc biệt ở nơi công cộng.
Chuyên gia Trịnh Trung Hòa cho rằng, cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, nhưng phải hiểu tình yêu thương và kỷ luật trong nhiều trường hợp có tác dụng như nhau. Trẻ con có tâm lý hay làm tới, nếu biết mình được cưng chiều sẽ hành động bất chấp.
"Ông cha ta có câu: Bé không vin, cả gãy cành. Nhận thức của trẻ như một tờ giấy trắng, cha mẹ có trách nhiệm dạy con viết rõ đúng sai lên đó", ông Hòa nói.