Tài chính

Tránh vết xe đổ, Twitter kích hoạt chiến lược phòng thủ "thuốc độc" ngăn Elon Musk tiếp quản công ty

Hôm 16/4, Twitter cho biết họ đã thông qua việc áp dụng chiến lược phòng thủ được gọi là "thuốc độc" để ngăn các kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp một cách thù địch. Bước đi này được đưa ra sau khi tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, bạn thân của nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey, đưa ra lời đề nghị tư nhân hóa công ty và sẽ biến nó trở thành pháo đài của tự do ngôn luận.

Theo đó, Hội đồng quản trị Twitter thống nhất rằng kế hoạch cho phép cổ đông hiện hữu có quyền mua thêm cổ phiếu với giá chiết khấu, từ đó pha loãng ảnh hưởng của bên thù địch, sẽ được kích hoạt khi một bên mua 15% cổ phần doanh nghiệp mà không có sự chấp thuận trước của Hội đồng quản trị. Kế hoạch này có thời hạn trong 1 năm.

Với chiêu thức phòng thủ "thuốc độc", bất cứ ai nắm quyền kiểm soát mạng xã hội này thông qua tích lũy cổ phiếu trên thị trường mở đều phải trả cho tất cả cổ đông một khoản phí kiểm soát thích hợp. Theo các chuyên gia, đây là công cụ mạnh để một doanh nghiệp chống lại nguy cơ bị thâu tóm.

Kế hoạch này được đưa ra sau khi Elon Musk, người đàn ông giàu nhất thế giới, đưa ra đề nghị tư nhân hóa Twitter với giá 54,2 USD/cổ phiếu, tương đương định giá công ty đạt 43 tỷ USD. Musk cũng nói rằng đây là lời đề nghị "tốt nhất và cuối cùng" của mình. Trước đó, Musk đã mua hơn 9% cổ phần Twitter thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn.

Thực tế, Twitter coi Elon Musk là một nhà đầu tư chủ động (Activist Investor). Đây là thuật ngữ để chỉ những nhà đầu tư mua và nắm giữ số lượng cổ phần lớn tại một doanh nghiệp và giữ chức vụ trong hội đồng quản trị nhằm mang đến những thay đổi lớn trong doanh nghiệp đó. Một doanh nghiệp có thể trở thành mục tiêu của các nhà đầu tư chủ động nếu nó bị quản lý sai cách, có chi phí hoạt động quá cao hoặc có thể trở nên hiệu quả hơn nếu trở thành công ty tư nhân, những điều mà nhà đầu tư chủ động tin họ có thể khắc phục để làm tăng giá trị doanh nghiệp.

Với những gì Elon Musk tuyên bố, vị tỷ phú giàu nhất thế giới hoàn toàn có thể khiến ban lãnh đạo Twitter cảm thấy lo ngại. Đó cũng là lý do họ đưa ra phương thức phòng thủ "thuốc độc" để ngăn điều này trở thành sự thực.

Đây không phải lần đầu tiên Twitter bị các nhà đầu tư chủ động nhòm ngó. Trước đây, Paul Singer, người sáng lập Elliott Management, đã chớp lấy cơ hội khi nhà sáng lập Jack Dorsey phân tán sự quan tâm của mình với doanh nghiệp để mua lượng lớn cổ phiếu và gây áp lực lên hoạt động của Twitter. Dorsey là bạn thân của tỷ phú Elon Musk.

Do không nắm giữ cổ phiếu có quyền biểu quyết để kiểm soát công ty trọn đời, Dorsey đã không thể ngăn cản những tham vọng từ bên ngoài với Twitter. Dù đã tìm được tiếng nói chung giữa Elliott với ban lãnh đạo Twitter nhưng người ta tin rằng đây là chất xúc tác khiến nhà sáng lập Dorsey rời đi với một quyết định tháng 11/2021. Thời điểm đó, Dorsey cũng đã dành sự quan tâm lớn cho Bitcoin chứ không phải Twitter.


Các tin khác

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (27/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mốc 121 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 120 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

Ông Nguyễn Quang Minh làm Tổng Giám đốc NAPAS

Ngày 15/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị công bố và trao quyết định của Thống đốc NHNN về việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS).

Người dân bắt đầu có hộ chiếu vắc-xin

Hiện có 19 quốc gia công nhận hộ chiếu vắc-xin của Việt Nam và người mang hộ chiếu vắc-xin của các quốc gia này sẽ được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vắc-xin ở nước sở tại

Giá vàng trong nước tiến sát đỉnh kỷ lục 70 triệu đồng/lượng

Dù thị trường vàng thế giới nghỉ lễ nhưng giá vàng ở thị trường trong nước hôm nay (16/4) tiếp tục tăng lên sát mức đỉnh kỷ lục 70 triệu đồng/lượng. Dự báo giá vàng vẫn giữ xu hướng tăng trong thời gian tới trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước siết chặt chính sách tiền tệ do lo ngại lạm phát ở mức cao.