Tài chính

TPBank báo lãi gần 1.430 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2025

Tóm tắt:
  • Trong hai tháng đầu năm 2025, TPBank đạt gần 1.430 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
  • Lợi nhuận dự kiến sẽ đạt 2.100 tỷ đồng vào cuối quý I, tăng 14,8% so với năm trước.
  • Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 2.800 tỷ đồng, dự kiến chạm 4.300 tỷ đồng vào cuối quý I.
  • Dư nợ cho vay khách hàng tăng lên 263.920 tỷ đồng, dự báo 269.000 tỷ đồng vào cuối quý I.
  • Năm 2025, TPBank kỳ vọng đạt lợi nhuận trước thuế 9.116 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2024.

TPB:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, MCK: TPB) vừa cập nhật nhanh kết quả kinh doanh trong hai tháng đầu năm 2025.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt gần 1.430 tỷ đồng. Nhà băng này dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ với lợi nhuận dự kiến đạt 2.100 tỷ đồng vào cuối quý I/2025, tương đương mức tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng này đến từ sự mở rộng hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa hiệu quả tài chính và kiểm soát chi phí hiệu quả.

Tổng thu nhập hoạt động của TPBank tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 2.800 tỷ đồng trong hai tháng đầu năm và dự kiến chạm mốc 4.300 tỷ đồng vào cuối quý I. Điều này phản ánh không chỉ sự mở rộng quy mô mà còn là năng lực tối ưu hóa nguồn thu vượt trội của TPBank.

Dư nợ cho vay khách hàng cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, đạt 263.920 tỷ đồng và dự báo sẽ lên khoảng 269.000 tỷ đồng vào cuối quý I. Sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tín dụng, kết hợp với chiến lược tập trung vào các ngành trọng yếu, giúp TPBank củng cố vị thế trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

Với tỷ lệ CASA duy trì trên 20%, TPBank tiếp tục đảm bảo nguồn vốn huy động với chi phí thấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời ổn định. Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) duy trì trên 13%, khẳng định sự ổn định tài chính và khả năng kiểm soát rủi ro chặt chẽ.

Trong một báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán MBS đánh giá, TPBank đang sở hữu lợi thế lớn nhờ vị thế dẫn đầu trong mảng ngân hàng số, giúp mở rộng tiếp cận khách hàng trẻ và tăng trưởng tín dụng.

Trong năm 2025, tăng trưởng tín dụng của TPBank được dự báo đạt 16% nhờ vào việc tập trung vào phân khúc khách hàng thu nhập khá, thế hệ millennials và các hộ kinh doanh với hai sản phẩm chủ chốt là cho vay mua ô tô và vay thế chấp nhà.

Đồng thời, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng có thể duy trì ở mức 17% trong năm 2026, trong khi TPBank sẽ thúc đẩy mảng cho vay bán lẻ nhờ nhu cầu tiêu dùng gia tăng và thu nhập cá nhân phục hồi.

NIM của ngân hàng được kỳ vọng cải thiện 3 điểm cơ bản trong năm nay đạt 3,54%, nhờ vào biên lãi ròng cao hơn do khả năng chuyển chi phí lãi vay sang khách hàng trong bối cảnh nhu cầu tín dụng bán lẻ phục hồi mạnh mẽ.

Về chất lượng tài sản, tính đến cuối quý IV/2024, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của TPBank cải thiện 80 điểm cơ bản theo quý và 53 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt 1,52%. Đây là mức thấp nhất kể từ quý I/2023.

Các chuyên gia kỳ vọng chất lượng tài sản sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2025 nhờ vào nền kinh tế ấm lên và sự phục hồi trong các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2/tổng dư nợ đã giảm liên tục trong 6 quý (-26 điểm cơ bản so với quý trước) giúp giảm áp lực gia tăng nợ xấu trong năm 2025, đồng thời, TPBank sẽ tiếp tục củng cố bảng cân đối kế toán thông qua xóa nợ và trích lập dự phòng trong năm 2025.

Với tất cả các động lực trên, chuyên gia MBS dự báo, TPBank có thể đạt lợi nhuận trước thuế 9.116 tỷ đồng cho cả năm 2025, tăng trưởng 20% so với kết quả đạt được trong năm 2024.

TPBank cũng vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 7.600 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2024 đạt hơn 6.070 tỷ đồng, tương đương tăng 36% so với năm 2023. Trong đó, thu nhập lãi thuần và thu nhập từ hoạt động dịch vụ vẫn đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận của ngân hàng.

Đặc biệt, năm 2024, cơ cấu lơi nhuận của TPBank đã có sự chuyển dịch khi giảm lệ thuộc vào hoạt động tín dụng, chuyển sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động năm 2024 của ngân hàng đạt hơn 18.030 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ tăng trưởng hơn 47%, đạt hơn 3.360 tỷ đồng, phản ánh sự thành công của chiến lược phát triển các dịch vụ số hóa và gia tăng tiện ích thanh toán cho khách hàng. TPBank đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ số, từ cho vay, bảo hiểm đến thanh toán, thu hút đông đảo người dùng, đóng góp lớn vào doanh thu phí. Ngoài ra, mảng thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng lên gần 28% so với năm trước.

Vào ngày 24/4 tới đây, TPBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tại Hà Nội. Cuộc họp sẽ tập trung thảo luận về kết quả kinh doanh năm 2024, kế hoạch tăng trưởng năm 2025, cùng các vấn đề chiến lược quan trọng nhằm duy trì đà phát triển mạnh mẽ của ngân hàng.

Với những thành tựu đã đạt được và triển vọng tăng trưởng tích cực, TPBank đang khẳng định vị thế vững chắc trong ngành Ngân hàng, sẵn sàng bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.


Các tin khác

Miền Bắc tăng nhiệt mạnh

Hôm nay (2/4), miền Bắc chỉ còn rét về đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng, ấm áp, nhiệt độ cao nhất khoảng 24-27 độ. Trong hai ngày 3-4/4, nền nhiệt tiếp tục tăng ở miền Bắc. Các khu vực khác hôm nay ít mưa, riêng Nam Bộ có mưa dông trái mùa.

Petrovietnam hiện thực hóa các điểm mới của Luật Dầu khí năm 2022

Phù hợp với các quy định của Luật Dầu khí năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023), trên cơ sở phê duyệt của Chính phủ, ngày 31/3/2025, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cùng tổ hợp nhà thầu Japan Vietnam Petroleum Company Limited (JVPC - công ty con 100% của ENEOS Xplora, Nhật Bản) và Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã tiến hành ký kết Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) đối với Lô 15-2, bể Cửu Long.

Hoa Kỳ ngăn chặn thuốc lá mới tác động đến giới trẻ

Từ năm 2018, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm tại Hoa Kỳ (FDA) đã khởi động loạt chương trình giáo dục cộng đồng về tác hại thuốc lá, cùng các chính sách kiểm soát hậu kiểm nghiêm ngặt để vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, ngăn chặn hàng lậu. Đồng thời, Mỹ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng TLĐT ở giới trẻ thông qua các chương trình giáo dục, được thiết kế nhằm tác động sâu vào tâm lý trẻ. Chương trình này giúp trẻ hiểu rõ dùng TLĐT là sai, gây tổn hại sức khỏe để chủ động tránh xa.

Hành lang chính sách thông thoáng, cơ hội cho doanh nghiệp hạ tầng bứt phá

Hành lang chính sách thông thoáng , các Nghị định hướng dẫn Luật PPP sửa đổi cũng được Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh theo hướng thủ tục cởi mở hơn nhằm thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những vướng mắc kéo dài trong hợp tác công - tư đang được tích cực tháo gỡ, tạo động lực mới cho doanh nghiệp hạ tầng bứt phá.

Xem xét đề nghị quản lý nhập khẩu máy đào bitcoin

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương vừa đề nghị Bộ Tài chính sớm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu phân loại, áp mã HS cụ thể đối với mặt hàng máy đào bitcoin để có cơ sở xem xét, đề xuất các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp.

ENT Masterclass® chia sẻ phương pháp điều trị đột phá tai mũi họng, phẫu thuật đầu cổ

Lần đầu tiên kỹ thuật y khoa tiên tiến nhất điều trị tai mũi họng, phẫu thuật đầu cổ từ tổ chức đào tạo bác sĩ quốc tế ENT Masterclass® được chia sẻ tại Việt Nam. Các bác sĩ quốc tế mang đến những cập nhật y khoa, đồng thời tạo cầu nối giữa các chuyên gia trong và ngoài nước.