Thông tin được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Được nói tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, Hóc Môn của tổ đại biểu Quốc hội (đơn vị 10) trước kỳ họp thứ 9 khóa XV, ngày 22/4, với sự tham dự của Chủ tịch nước Lương Cường.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được. (Ảnh: An Phương).
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết Tổng Bí thư Tô Lâm đã có định hướng và cho rằng cơ sở hạ tầng cho ngành giáo dục và y tế dù có tập trung phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện thành phố còn thiếu nhiều trường học, bệnh viện. Do đó, những trụ sở dôi dư sẽ được ưu tiên bố trí làm trường học, bệnh viện tuyến cơ sở (phường, xã) phục vụ người dân.
Theo chủ trương của Trung ương, TP HCM sẽ sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ở phương diện sắp xếp xã phường, thành phố đã có phương án giảm từ 273 đơn vị còn 102, giảm hơn 60%. Việc này dẫn tới nhiều trụ sở dôi dư sau sắp xếp. Với dân số xấp xỉ 10 triệu dân, nhiều năm qua thành phố luôn chịu áp lực về hạ tầng cơ sở y tế, giáo dục.

Người dân chờ đợi khám tại bệnh viện ở TP HCM, năm 2024. (Ảnh: Quỳnh Trần).
Lần đầu tiên tiếp xúc cử tri TP HCM, Chủ tịch nước Lương Cường thông tin tới cử tri một số nội dung liên quan sắp xếp, tinh gọn bộ máy và lộ trình sửa Hiến pháp, các văn bản luật, quy định tại kỳ họp sắp tới.
"Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay rất nhiều, rất gấp và yêu cầu rất cao", Chủ tịch nước nói. Ngoài sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, phải sửa hơn 19.200 văn bản liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, người có thẩm quyền của Trung ương, địa phương ban hành. Trong đó có gần 1.200 văn bản thuộc Quốc hội và các cơ quan Trung ương; hơn 18.000 văn bản của địa phương.
Tính về số lượng công việc có liên quan thì có đến 121 nhóm công việc, gồm 29 nhóm việc của Chính phủ và 40 nhóm việc thuộc cấp tỉnh, những địa phương như TP HCM các văn bản phải điều chỉnh sẽ rất lớn.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri. (Ảnh: An Phương).
Về công tác cán bộ sau khi sắp xếp bộ máy, Chủ tịch nước đề nghị cần làm tốt công tác tư tưởng cho những người rời đi. "Có những người nghỉ việc không chỉ họ mà còn gia đình, cha mẹ, cả dòng họ rất buồn", Chủ tịch nước nói.
Do đó, công tác cán bộ lúc này là phải làm sao để mọi người đều hiểu rằng làm việc ở nhà nước hay tư nhân là điều rất bình thường, như nhau. Người rời đi không phải yếu kém mà chỉ vì vị trí công việc đó không còn nữa.
"Phải xác định được như vậy thì những người rời nhà nước mới có cơ hội ở bên ngoài, đừng để người ta nghĩ ông này ú ớ quá, không làm được việc nên bị cho ra", Chủ tịch nước nói.