Thông tin trên được ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM trao đổi tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ UBND TP.HCM lần thứ 2, diễn ra chiều 14.4 nhằm cung cấp thông tin về việc sáp nhập các sở và cấp xã.
Ông Thuận cho biết, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy của Trung ương, TP.HCM đã giảm từ 21 cơ quan chuyên môn còn 15, từ 8 cơ quan hành chính khác còn 4 và từ 35 đơn vị sự nghiệp còn 32. Phương án này đã được Bộ Nội vụ thống nhất.

Ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM thông tin về sắp xếp bộ máy
ẢNH: NGUYÊN VŨ
Tiếp đó, HĐND TP.HCM thông qua việc thành lập các sở mới, trong đó sáp nhập Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải tiếp nhận thêm một số nhiệm vụ và đổi tên thành Sở Giao thông công chánh.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường hợp nhất với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ông Thuận cho biết thêm, hồi cuối tháng 3, Văn phòng Trung ương Đảng gửi văn bản truyền đạt ý kiến của Thường trực Ban Bí thư về sắp xếp bộ máy đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trên cả nước.
Tại cuộc họp hôm qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất phương án hợp nhất Sở Giao thông công chánh vào Sở Xây dựng, không tái lập Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

TP.HCM dự kiến sáp nhập Sở Giao thông công chánh vào Sở Xây dựng
ẢNH: NHẬT THỊNH
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ đổi tên thành Sở Nông nghiệp và Môi trường, thống nhất tên gọi với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Đối với cơ quan hành chính khác, TP.HCM sẽ chuyển Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM thành một đơn vị cấp phòng trực thuộc Văn phòng UBND TP.HCM. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM sẽ hoạt động độc lập với tư cách một hội quần chúng.
Liên quan đến phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, ông Thuận cho biết toàn TP.HCM có 273 phường, xã, thị trấn. Ban chỉ đạo cấp thành phố đã xây dựng phương án trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM xem xét thông qua tại cuộc họp chiều mai (15.4).