Toshiba cho biết rằng lời đề nghị chào mua trị giá 13,5 tỷ USD từ công ty cổ phần tư nhân Japan Industrial Partners (JIP) đã kết thúc thành công - một thỏa thuận mở đường cho tập đoàn công nghiệp đang gặp khó khăn này chuyển sang tư nhân hóa.
Vào tháng 3 vừa qua, Toshiba đã chấp nhận lời đề nghị mua lại định giá tập đoàn công nghiệp này ở mức 2 nghìn tỷ yên (13,5 tỷ USD). Mặc dù một số cổ đông không hài lòng với mức giá này, Toshiba lập luận rằng không có khả năng đưa ra mức giá cao hơn hoặc giá thầu cạnh tranh. Cổ phiếu của Toshiba dự kiến sẽ hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán Tokyo vào tháng 12 tới, kết thúc lịch sử 74 năm có mặt trên thị trường cổ phiếu.
Toshiba cho biết cho đến nay, nhóm đầu tư này đã mua lại thành công 78,65% lượng cổ phiếu đang lưu hành của tập đoàn từ các cổ đông dựa trên mức giá chào mua 4.620 yen (31,2 đô la Mỹ) mỗi cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu hơn 2/3 cổ phần cho phép nhóm nhà đầu tư kiểm soát hoạt động của Toshiba.
Giám đốc điều hành Toshiba Taro Shimada cho biết: “Chúng tôi rất biết ơn nhiều cổ đông vì đã thông cảm cho quan điểm của công ty”. Ông nói thêm: Toshiba “bây giờ sẽ thực hiện một bước quan trọng hướng tới tương lai mới với một cổ đông mới”.
Toshiba cho biết mối quan hệ phức tạp của họ với nhiều bên liên quan khác nhau, bao gồm cả các cổ đông có quan điểm khác nhau, đã cản trở hoạt động kinh doanh và cơ sở cổ đông ổn định sẽ giúp công ty theo đuổi chiến lược dài hạn tập trung vào các dịch vụ kỹ thuật số có tỷ suất lợi nhuận cao.
Toshiba đã trải qua nhiều năm đầy sóng gió, bắt đầu từ vụ bê bối kế toán vào năm 2015 và bao gồm cả vụ Westinghouse Electric, đơn vị điện hạt nhân của Toshiba ở Mỹ, nộp đơn xin phá sản vào năm 2017. Để tránh nguy cơ bán sản, Toshiba buộc phải bán mảng chip nhớ vào năm 2018.
Mặc dù không nổi tiếng ở nước ngoài, JIP đã tham gia vào nhiều thương vụ công ty tách ra khỏi các tập đoàn Nhật Bản, bao gồm hoạt động kinh doanh máy ảnh của Olympus và kinh doanh máy tính xách tay của Tập đoàn Sony. Liên minh của JIP bao gồm 20 công ty Nhật Bản, dẫn đầu là nhà sản xuất chip Rohm, công ty dịch vụ tài chính Orix và Chubu Electric Power.
Đây sẽ là thương vụ M&A lớn nhất tại Nhật Bản trong năm nay. Theo dữ liệu của LSEG, Nhật Bản là thị trường lớn duy nhất ở châu Á chứng kiến sự tăng trưởng trong hoạt động mua bán và sáp nhập từ đầu năm đến nay.
Các thỏa thuận liên quan đến vốn cổ phần tư nhân đặc biệt tích cực, bao gồm cả kế hoạch mua lại công ty sản xuất vật liệu JSR trị giá 6,4 tỷ USD bởi một quỹ được chính phủ hậu thuẫn.