VN-Index ghi nhận một tuần giao dịch không mấy khả quan khi liên tục biến động trước những luồng thông tin tốt xấu đan xen. Cụ thể, chỉ số có một phiên hưng phấn khi tăng 22 điểm trước tin Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất, song lại điều chỉnh giảm trước những khó khăn của các nhà băng trên thế giới.
Kết thúc tuần giao dịch 13-17/3, VN-Index giảm 7 điểm xuống 1.045 điểm. Thanh khoản cũng cải thiện so với tuần giao dịch trước khi giá trị giao dịch trung bình trên HOSE đạt trên 10.400 tỷ đồng/phiên.
Trên sàn HOSE , top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua đều có mức tăng trên 9%.
Cổ phiếu tăng mạnh nhất là VMD của Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex. Với 4 phiên tăng giá, trong đó có 1 phiên tăng kịch trần, thị giá VMD đã được kéo lên mức 23.600 đồng, tương đương tăng 27% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Thanh khoản của mã này dù không cao, song cũng cải thiện từ vài nghìn lên vài chục nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Nhìn lại quá khứ, thời điểm năm 2021, VMD là một cái tên từng gây bão với 16 phiên tăng kịch trần liên tiếp trước thông tin Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ Vimedimex nhập khẩu vaccine COVID-19 về Việt Nam.
Cổ phiếu ST8 của Công ty Cổ phần Siêu Thanh cũng gây chú ý sau vài tuần "lặng sóng". Với 3 phiên tăng điểm, thị giá ST8 đã được kéo lên mức 20.950 đồng, tương đương tăng 14% sau 1 tuần giao dịch. Tính từ đầu năm đến nay, ST8 đã tăng gấp 2,5 lần giá trị.
Ở chiều giảm, hàng loạt cổ phiếu trên HOSE cũng ghi nhận mức giảm trên 8%. Cổ phiếu giảm mạnh nhất là HOT của Công ty Cổ phần Du lịch - Dịch vụ Hội An. Sau thời gian bứt tốc khi tăng 80% sau thông tin Trung Quốc thí điểm mở cửa du lịch, cổ phiếu này đã quay đầu giảm mạnh khi "lau sàn" 3 phiên với mức giảm 19%.
Trên sàn HNX , top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất cũng có mức tăng trên 10%, song hầu hết là những mã ít giao dịch, tên tuổi không quá nổi bật
Ở chiều giảm giá, trong tuần qua nhiều mã cũng ghi nhận mức giảm từ 12% - 25% trên HNX.
Trên UPCOM , biên độ giao dịch rộng hơn nên hàng loạt cổ phiếu cũng tăng mạnh từ 31%-48% trong tuần qua.
Nổi bật là DAS của Công ty Cổ phần Máy - Thiết bị Dầu khí Đà Nẵng. Sau thời gian “tắt” thanh khoản, DAS bất ngờ nổi sóng với 4 phiên tăng kịch trần liên tiếp để đẩy giá cổ phiếu lên 10.300 đồng. Tính chung cả tuần cổ phiếu này vẫn ghi nhận mức tăng 72%. Dù tăng mạnh, song khối lượng giao dịch của mã này chỉ vỏn vẹn vài trăm đơn vị.
Được biết, DAS tiền thân là Công ty Thiết bị phụ tùng Đà Nẵng, trước đây là Công ty thành viên của Tổng Công ty Máy và phụ tùng thuộc Bộ thương mại, thành lập từ năm 1983. Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp là buôn bán, đại lý ô tô và xe có động cơ khác; sửa chữa máy móc thiết bị, sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải...
Ngược lại, trong tuần qua nhiều mã trên UPCOM cũng ghi nhận mức giảm từ 25% - 48%.
Tiêu biểu là CFV của Công ty Cà phê Thắng Lợi với đà tăng nhanh - giảm sốc. Sau nhiều 15 phiên tăng trần liên tiếp để "ẵm" vị trí quán quân tăng mạnh nhất sàn chứng khoán trong nhiều tuần, CFV đã chính thức đổ đèo giảm sâu với 5 phiên giảm, trong đó có 4 phiên nằm sàn. Như vậy, thị giá CFV đã bốc hơi đến 48% giá trị chỉ sau 1 tuần giao dịch.
Cú sụt giảm mạnh của CFV cũng không quá khó hiểu khi tình hình kinh doanh của công ty chưa được cải thiện. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2022 của CFV đạt gần 451 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với năm 2021. Tuy nhiên, biên lãi gộp giảm làm lợi nhuận gộp đi lùi, kéo theo lãi sau thuế chỉ bằng khoảng 20% năm trước, với 1,2 tỷ đồng.