Tài chính

Toàn cảnh thị trường tài chính tiêu dùng: Chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế, yếu tố ngoại đang dần chiếm lĩnh thị trường

 Thị trường tài chính tiêu dùng có tiềm năng rất lớn. (Ảnh minh hoạ: FE Credit).

Tiềm năng tài chính tiêu dùng là rất lớn

Theo báo cáo “Phát triển tài chính tiêu dùng – kinh nghiệm Quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam” của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thị trường tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ có đc 5 thuận lợi chính.

Đầu tiên, theo báo cáo, tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng là rất lớn khi mà triển vọng kinh tế Việt Nam phục hồi, tăng trưởng khá cao (6,5 - 7% giai đoạn 2021-2030), tăng thu nhập của người dân (khoảng 6%/năm đến năm 2030) là tương đối khả quan.

Điểm thuận lợi tiếp theo chính là Chính phủ đã có và sẽ tiếp tục một số gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau dịch bệnh COVID-19 cũng như chủ trương cơ cấu lại, lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó góp phần kích cầu tiêu dùng, giảm tín dụng đen.

Tài chính tiêu dùng còn có điểm thuận lợi về nhu cầu, định hướng phát triển đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ, trong đó có tín dụng cá nhân của các tổ chức tín dụng cùng với định hướng phát triển, đa dạng hóa sản phẩm của các công ty tài chính sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng có động lực phát triển mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, văn hóa tiêu dùng, vay mượn của người dân ngày càng thay đổi. Những năm gần đây (không kể năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19), nền kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, tầng lớp trung lưu nhiều hơn nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm gia tăng, khiến nhu cầu tín dụng, tài chính tiêu dùng gia tăng.

Cuối cùng, quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển theo hướng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, tăng trải nghiệm khách hàng, tiết giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận cho khách hàng.

 

Theo ước tính của FiinGroup, tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng và các tổ chức tài chính khác tại Việt Nam khoảng 18% GDP, tương đương khoảng hơn 500.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2022.

Trong đó, theo thông tin từ Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ của khối công ty tài chính tiêu dùng đạt 207.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7,9% so với tháng 12/2021. Như vậy, dư nợ tiêu dùng của các tổ chức tài chính khác là khoảng 293.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, theo thống kê của NHNN, đến cuối năm 2021, tín dụng tiêu dùng của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đạt gần 2 triệu tỷ VND, chiếm hơn 20% dư nợ tín dụng cho nền kinh tế. Như vậy, thị phần lớn của dư nợ tiêu dùng của vẫn nằm trong tay các NHTM, với khoảng 80%, các công ty tài chính tiêu dùng chiếm khoảng 8%, còn lại là các tổ chức tài chính khác (12%).

Yếu tố ngoại đang dần chiếm lĩnh thị trường

Sự phát triển về quy mô của thị trường còn được thể hiện qua việc liên tục có các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các công ty tài chính Việt Nam, như Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (được Shinhan Bank Việt Nam mua lại và thiết lập hệ sinh thái tài chính cùng với Shinhan Securities và Shinhan Life), Lotte Finance - công ty con của Lotte Card là công ty tài chính phát hành thẻ tín dụng sở hữu mạng lưới dịch vụ và bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc...

Đồng thời, nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, dịch vụ tài chính tiêu dùng hiện nay đang chuyển dần từ các phương thức truyền thống sang tận dụng triệt để công nghệ, từ tìm kiếm khách hàng, phương thức tiếp thị, cho đến thẩm định trực tuyến qua mạng xã hội, chấm điểm khách hàng bằng các mô hình tận dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI),

Như vậy, tài chính tiêu dùng góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua ba phương diện. Đầu tiên là góp phần tăng sức mua, kích thích tiêu dùng nhất là giai đoạn sau dịch bệnh thúc đẩy sản xuất và cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, tài chính tiêu dùng còn góp phần phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam khi tài chính tiêu dùng tập trung vào phân khúc khách hàng dưới chuẩn, nhỏ lẻ, khó hoặc chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo việc làm cho xã hội với nhu cầu về nhân lực tài chính, tư vấn khách hàng, quản trị hệ thống...

Những thách thức lớn

Theo báo cáo của TS. Cấn Văn Lực, ở chiều ngược lại, tài chính tiêu dùng có những rủi ro, thách thức cần lưu tâm.

Đầu tiên, quy mô tài chính tiêu dùng khó tăng nhanh trong khi chất lượng tài sản có nguy cơ sụt giảm do khách hàng là nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương nhất trước tác động của COVID-19 do mất việc, giảm thu nhập.

Do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như dịch bệnh, thiên tai... dẫn tới các cá nhân, hộ gia đình có tâm lý tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, khiến cho nhu cầu vay tiêu dùng giảm trong ngắn hạn. Đồng thời, phân khúc chính của các công ty tài chính (các sản phẩm tín chấp và khách hàng có thu nhập hạn chế) là đối tượng dễ tổn thương dẫn tới năng lực trả nợ suy giảm và nguy cơ nợ xấu gia tăng.

Lợi nhuận kinh doanh kém khả quan hơn do thu nhập ròng từ lãi có nguy cơ bị thu hẹp bởi áp lực cạnh tranh gay gắt khiến mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm để thu hút khách hàng cùng áp lực phải tăng chi phí dự phòng rủi ro (do chất lượng tín dụng có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh), trong khi các công ty tài chính vẫn chủ yếu vay vốn từ các tổ chức tín dụng, từ thị trường trái phiếu với lãi suất khá cao.

Một thách thức nữa của tài chính tiêu dùng là khung pháp lý ngày càng theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn, có thể góp phần lành mạnh hóa thị trường TCTD, nhưng cũng sẽ có ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động, khả năng sinh lời của các công ty tài chính, hoạt động chính và nguồn thu quan trọng của các công ty tài chính.

Ngoài ra, áp lực cạnh tranh gia tăng do ảnh hưởng của xu hướng bùng nổ các mô hình kinh doanh mới (Fintech và cho vay ngang hàng – P2P lending). Với đặc thù được xây dựng trên nền tảng công nghệ số, các công ty này tạo cạnh tranh không nhỏ đối với hệ thống tài chính truyền thống nói chung và các công ty công ty tài chính nói riêng. Đây cũng là cơ hội để các công ty tài chính học hỏi, hợp tác, phát triển công nghệ để thu hút khách hàng, giữ vững và phát triển thị phần.

  TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tài chính Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: DNVN). 

Theo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu cho hệ thống tài chính là phải đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, phát triển tài chính toàn diện hơn vào năm 2030, bảo đảm đa số người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các 5 dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, chi phí hợp lý, giảm mạnh tín dụng đen...

Đồng thời, NHNN cũng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phải phấn đấu tối thiểu 50% và đến năm 2030 là 70% các khoản vay, cho vay của ngân hàng, của các công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ phục vụ tiêu dùng phải được thực hiện qua kênh số.

Đặc biệt là từ đầu năm 2022, để tiếp tục hỗ trợ người tiêu dùng vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, NHNN đã chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng có ngay gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất bằng một nửa lãi vay hiện tại để công nhân, người lao động có thể dễ dàng tiếp cận. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm