Bất động sản

Toàn cảnh "nội chiến" tại Hòa Bình Corp

Toàn cảnh 'nội chiến' tại Hòa Bình Corp - Ảnh 1.

Cách đây hơn 2 năm, vào ngày 23/7/2020 , Hòa Bình Corp thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Lê Viết Hải, đồng thời bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Lê Viết Hải làm Tổng giám đốc.

Điều này là để tuân thủ quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc của 1 công ty đại chúng. Ngoài Hòa Bình Corp, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp những năm gần đây cũng đã phải đưa ra lựa chọn giữa hai vị trí này.

Quyết định bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu có thời hạn 2 năm và tròn 2 năm sau khi thời hạn này kết thúc, vào ngày 23/7/2022 , Hòa Bình Corp quyết định ông Lê Viết Hiếu thôi làm Tổng giám đốc, và giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực.

Quyết định này được đưa ra để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp: "Tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp". Hay nói cách khác, nếu con làm Tổng giám đốc thì bố không thể ngồi trong Hội đồng quản trị.

Toàn cảnh 'nội chiến' tại Hòa Bình Corp - Ảnh 2.

Ông Lê Viết Hiếu

Đến ngày 12/12/2022 , ông Lê Viết Hải có đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, rút khỏi tư cách thành viên Hội đồng quản trị và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Việc từ nhiệm này nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc, sẽ được trình Đại hội đồng cổ đông vào kỳ họp sắp tới.

Với việc ông Lê Viết Hải rút lui, Hòa Bình Corp bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch, cũng dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Đồng thời, Hòa Bình Corp cũng thông qua việc thành lập "Hội đồng sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình" và đồng thuận ông Lê Viết Hải là Chủ tịch Hội đồng sáng lập.

Các quyết định nói trên nhận được sự đồng thuận tuyệt đối (8/8 thành viên) Hội đồng quản trị, trong đó có cả ông Lê Viết Hải tại cuộc họp ngày 13/12/2022, và được hiện thực hóa bằng nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 14/12/2022.

Theo Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thì đây là cơ quan tham mưu, tư vấn và phản biện cho Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành của Tập đoàn về chiến lược kinh doanh và các quyết sách trong hoạt động quan trọng của Tập đoàn. Chủ tịch Hội đồng Sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ cùng nhau thảo luận các giải pháp chung đối với các vấn đề trọng yếu của Tập đoàn cũng như thảo luận để định hướng cho hoạt động của Tập đoàn ngày càng phát triển hơn cũng theo nguyên tắc đồng thuận.

Hòa Bình Corp khi đó nhận định: "Sự phối hợp giữa Ông Lê Viết Hải trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Sáng lập và Tiến sĩ Nguyễn Công Phú trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ tập trung sức mạnh và trở thành bệ đỡ hậu thuẫn cho thế hệ trẻ kế thừa của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình phát huy năng lực và đưa Hòa Bình chuyển mình sang giai đoạn mới, phát triển mạnh mẽ và bền vững."

Toàn cảnh 'nội chiến' tại Hòa Bình Corp - Ảnh 3.

Ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú

Tưởng chừng như mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa, thì bất ngờ đến ngày 31/12/2022 , Hòa Bình Corp phát đi thông báo do ông Lê Viết Hải ký với nội dung: Hoãn thi hành các quyết định thay đổi nhân sự ngày 14/12 (gồm 2 quyết định miễn nhiệm ông Lê Viết Hải và bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú).

Như vậy, với nghị quyết mới này, ông Lê Viết Hải vẫn sẽ là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Bình Corp từ ngày 1/1/2023 còn ông Nguyễn Công Phú chưa có ngày nào ngồi ghế Chủ tịch.

Đến ngày 1/1/2023 , phía ông Nguyễn Công Phú (bao gồm các ông: Nguyễn Công Phú, Lê Quốc Duy, Dương Văn Hùng và Albert Antoine) phát đi thông cáo báo chí bác bỏ nghị quyết ngày 31/12/2022.

Phía ông Phú cho rằng, nghị quyết ngày 31/12/2022 là do ông Lê Viết Hải đơn phương thực hiện, và không hợp lệ vì không có đủ số lượng thành viên Hội đồng quản trị tham dự để tiến hành tổ chức họp, không đủ số lượng phiếu bầu thông qua theo quy định của điều lệ công ty.

Ông Phú cho biêt: " Với ý định hủy bỏ các quyết định tại cuộc họp HĐQT ngày 13/12/2022, ông Lê Viết Hải đã nhiều lần triệu tập họp HĐQT qua hình thức trực tuyến vào các ngày 29/12/2022 và ngày 31/12/2022 – một việc làm vi phạm Điều lệ Tập đoàn. Trong đó vào ngày 31/12/2022, sau khi cuộc họp vào lúc 9g00 sáng không đủ điều kiện tiến hành, ông Lê Viết Hải tiếp tục triệu tập họp vào lúc 13g30 chiều. Số lượng thành viên HĐQT tham dự lúc này cũng chỉ có 4 thành viên, vẫn chưa thể đủ điều kiện để tiến hành tổ chức (theo quy định tại Điều lệ hiện hành HBC thì phải có 5/8 thành viên HĐQT tham dự).

Chúng tôi đã ngay lập tức thông báo bằng văn bản với ông Lê Viết Hải rằng chúng tôi từ chối việc triệu tập tham gia vì cuộc họp này không đúng với Điều lệ Tập đoàn, theo đó việc thông qua bất kỳ quyết định nào đều là không hợp lệ.

Các thông cáo của ông Lê Viết Hải với báo chí không những không có cơ sở pháp lý mà còn sai sự thật vì ông Hải không thể tiến hành được cuộc họp HĐQT theo quy định, cũng như không có đủ đa số phiếu trong HĐQT để có thể hoãn quyết định được đưa ra trong cuộc họp ngày 13/12/2022.

Chúng tôi đã thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Việt Nam (SSC) và các cơ quan tư pháp liên quan về tất cả các động thái vi phạm quy chế, quy định của ông Lê Viết Hải trong những ngày vừa qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những hành động thích hợp để đảm bảo các quyết định của HĐQT trong cuộc họp ngày 13/12/2022 được tuân thủ thực hiện đầy đủ và đúng pháp luật.

Vì lợi ích chung tối cao của Tập đoàn do chính ông Lê Viết Hải sáng lập, chúng tôi đề nghị ông Hải không được phép thực hiện bất kỳ hành động nào mang tính cản trở việc kế nhiệm của Chủ tịch HĐQT được bầu Nguyễn Công Phú. Do sự điều hành yếu kém của ông Lê Viết Hải trong nhiều năm, tập đoàn giờ đang đối diện với muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính. Việc HĐQT thông qua quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm người đứng đầu Tập đoàn nhằm mục tiêu duy nhất – khắc phục tình trạng khó khăn và thực hiện những cải cách tất yếu để đảm bảo sự phát triển của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong tương lai.

Vì vậy, ông Nguyễn Công Phú là Chủ tịch hợp pháp của Tập đoàn Hòa Bình kể từ hôm nay, 01/01/2023."

Cùng chuyên mục

Đọc thêm