Tiềm năng của mô hình này được ông Trần Việt Trung, Giám đốc khoa học dữ liệu, Chứng khoán DNSE giới thiệu tại tọa đàm "AI định hình tương lai tài chính", phát sóng chiều 18/3.
Khi người dùng nhập nhập câu lệnh "Thị trường hôm nay như thế nào?", trợ lý ảo Ensa ngay lập tức có thể đưa ra các thông tin tổng quát về thị trường theo các tiêu chí về biến động chỉ số VN-Index, nhóm ngành có thanh khoản tăng và giảm. Đồng thời, trợ lý ảo này cũng có thể tóm tắt các thông tin về các ngành có tỷ lệ cổ phiếu giảm giá, các mã có số lượng bán ròng và mua ròng khối ngoại cao trong phiên.
Còn với câu lệnh, "Nên mua mã cổ phiếu nào ngày 19/3", nhà đầu tư có thể nhận về thông tin về các mã cổ phiếu tiềm năng, giá mục tiêu, tỷ lệ phần trăm tăng trưởng so với phiên đóng cửa gần nhất.
Không chỉ phân tích các mã cổ phiếu tiềm năng, khi nhập bất cứ mã cổ phiếu nào vào khung chat, Ensa cũng có thể đưa ra những đánh giá sơ bộ nhất về cổ phiếu, sức khỏe doanh nghiệp và một số định hướng đầu tư ngắn gọn cho nhà đầu tư.
Theo ông Trần Việt Trung - Giám đốc khoa học dữ liệu, Chứng khoán DNSE, tính năng trợ lý ảo Ensa là một trong những ứng dụng AI giúp thay thế môi giới chứng khoán tại DNSE. Công ty chứng khoán số này đang đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp cập nhật và tư vấn thông tin cho nhà đầu tư theo thời gian thật, hạn chế các sai số do cảm xúc chi phối.
Bằng cách thức tương tác hỏi - đáp, nhà đầu tư chứng khoán có thể truy vấn thông tin từ vĩ mô đến các mã cổ phiếu trong thời gian tính bằng giây.
"Trong hai tháng triển khai chatbot này, chúng tôi nhận được hơn 10.000 lượt câu hỏi từ phía nhà đầu tư", ông Trung nói. Đồng thời, mô hình AI này cũng có thể tự học hỏi trong quá trình giải đáp các thắc mắc của nhà đầu tư, nắm bắt thông tin giao dịch, thói quen để tư vấn ngày càng sát với khẩu vị của từng nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, DNSE cũng hưởng những lợi ích khi áp dụng chatbot này trên ứng dụng Entrade X nhờ việc cắt giảm chi phí vận hành và nhân sự, tối ưu hóa quá trình hoạt động.
Tại tọa đàm, chuyên gia từ DNSE đánh giá, do nền tảng dữ liệu tại Việt Nam còn phân mảng, nên việc phát triển cơ sở hạ tầng cùng nguồn dữ liệu đem đến không ít khó khăn cho các công ty chứng khoán, trong đó có DNSE.
Để phát triển nguồn dữ liệu cho máy học, công ty đã xây dựng nền tảng dữ liệu với gần 10 nguồn thông tin về doanh nghiệp, báo cáo tài chính, chuyên gia phân tích, phân tích trên mạng xã hội, phân tích ở các trang web khác... Từ đó, trợ lý ảo phân tích, chắt lọc ra những thông tin có giá trị cho khách hàng, đồng thời dùng chính những thông tin đó để kiểm chứng lẫn nhau.
Ngoài nền tảng dữ liệu, DNSE cũng xây dựng nhiều mô hình AI từ mô hình trí tuệ nhân tạo chỉ ra xu hướng ngắn hạn, dài hạn, phân tích ngành, đến mô hình AI phân tích mã chứng khoán.
"Việc kết hợp các mô hình này có thể đưa ra các tín hiệu phù hợp, tối ưu hoá quá trình truyền tải thông tin đến khách hàng", ông Trung nhận định.
Trong những trường hợp AI không chắc chắn với quyết định của mình, các chuyên gia phân tích của DNSE sẽ thường xuyên kết hợp với AI để đánh giá, kiểm chứng thông tin trước khi đưa đến cho nhà đầu tư.
Ngoài trợ lý ảo Ensa, thời gian qua, Chứng khoán DNSE cũng ứng dụng nhiều mô hình AI hỗ trợ nhà đầu tư tối ưu thời gian và lợi nhuận. Ngay ở phần trang chủ, nhà đầu tư có thể tìm kiếm các ý tưởng giao dịch thông qua mục "Ý tưởng đầu tư" được gợi ý bằng AI. Trong mục này, khách hàng của DNSE có thể tìm thấy các thông tin về mã cổ phiếu được khuyến nghị, lời khuyên đầu tư dài hạn hay lướt sóng, các chỉ số tài chính và định giá trong thời gian thực.
Trong tương lai, Giám đốc khoa học dữ liệu của DNSE cho biết, với mong muốn khai thác những lợi ích của AI trong ngành tài chính chứng khoán, công ty chứng khoán số này sẽ tiếp tục cải tiến và mang đến nhiều sản phẩm ứng dụng AI nhằm hiện thực hóa tầm nhìn "đơn giản hóa đầu tư cho người Việt".