Xã hội

Thương hiệu ô tô Liên Xô huyền thoại hồi sinh sau khi Nga quốc hữu hóa tài sản của Renault

Hãng tin Reuters ngày 16/5 đưa tin, Moskvich - một thương hiệu xe hơi từ thời Liên Xô - có thể được hồi sinh một cách bất ngờ tại Nga, khi Moscow tiếp quản tài sản thuộc về Renault sau khi hãng xe Pháp rời khỏi Nga.

Renault "bán mình" với giá 1 Rúp

Sergei Sobyanin - Thị trưởng thành phố Moscow - cho biết sẽ tiến hành quốc hữu hóa nhà máy sản xuất ô tô của Renault tại thành phố này, sau khi hãng xe phương Tây thông báo đang chuyển nhượng các hoạt động kinh doanh tại Nga sau khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng nổ.

Theo hãng tin Bloomberg, động thái này đánh dấu việc quốc hữu hóa tài sản doanh nghiệp lớn nước ngoài đầu tiên tại Nga kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Renault cho biết, họ sẽ bán phần lớn cổ phần của mình trong AvtoVaz - một công ty xe hơi của Nga nổi tiếng với thương hiệu Lada - cho một viện nghiên cứu nhà nước Nga có tên NAMI. Các hoạt động khác của Renault tại Nga, chủ yếu là một nhà máy ở Moscow, sẽ được bán cho chính quyền thành phố Moscow.

Luca de Meo - Giám đốc điều hành Renault - trong một tuyên bố vào ngày 16/5 cho biết: "Hôm nay, chúng tôi đã đưa ra một quyết định khó khăn nhưng cần thiết… Đó là lựa chọn có trách nhiệm đối với 45.000 nhân viên của mình ở Nga, đồng thời duy trì hiệu suất của Tập đoàn và để ngỏ khả năng trở lại đất nước Nga trong tương lai, trong một bối cảnh khác".

Renault không cung cấp bất kỳ thông tin nào về doanh số bán hàng của mình, nhưng cho biết thỏa thuận bao gồm tùy chọn mua lại cổ phần của AvtoVaz trong 6 năm tới.

Tháng trước, Denis Manturov - Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nga - đã nói với truyền thông nước này rằng, thỏa thuận Avtovaz có thể được tiến hành với mức giá tượng trưng 1 Rúp. Thỏa thuận cho phép AvtoVaz tiếp tục sản xuất ô tô du lịch theo thiết kế mẫu xe Duster của Renault, hiện được gắn tên Lada tại thị trường Nga.

Thương hiệu ô tô Liên Xô huyền thoại hồi sinh sau khi Nga quốc hữu hóa tài sản của Renault - Ảnh 1.

Những chiếc xe Renault đang đỗ bên ngoài một showroom ở Saint Petersburg, Nga vào ngày 24/3/2022. Ảnh: Reuters

Trang tin công nghệ Stuff của New Zealand nhận định, việc chuyển nhượng các hoạt động kinh doanh tại Nga giúp Renault thoát khỏi vấn đề mà các công ty phương Tây đang phải đối mặt khi họ phải xác định liệu có nên rút khỏi Nga và chấp nhận ảnh hưởng đến thu nhập, hoặc tiếp tục kinh doanh ở Nga và có nguy cơ làm tổn hại đến uy tín của tập đoàn trong mắt khách hàng sau khi xung đột quân sự Nga - Ukraine bùng nổ.

Với mục tiêu giảm tỉ lệ thất nghiệp, chính phủ Nga đã "thúc ép" các nhà đầu tư nước ngoài phải tiếp tục hoạt động tại Nga hoặc bán cho một ai đó muốn mua lại.

Viện nghiên cứu NAMI đã có một số kinh nghiệm trong việc phát triển những mẫu ô tô hạng sang được sử dụng bởi các nhà lãnh đạo Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin, nhưng ở quy mô nhỏ hơn nhiều khi so sánh với nhà máy AvtoVaz từ thời Liên Xô - nơi các nhà đầu tư Nga và nước ngoài đã phải vật lộn trong nhiều thập kỷ để sản xuất ô tô đại trà và có lãi.

Theo trang Stuff, gần nửa triệu xe đã được bán ở Nga vào năm ngoái dưới các thương hiệu Renault và AvtoVaz.

Hồi sinh thương hiệu huyền thoại từ thời Liên Xô

Theo Reuters, nhà máy của Renault sẽ được tái sử dụng để sản xuất dòng xe du lịch mang thương hiệu Moskvich mà Thị trưởng Moscow Sobyanin cho rằng có "lịch sử lâu đời và huy hoàng". Những chiếc xe Moskvich cuối cùng được sản xuất đã cách đây hai thập kỷ.

"Chủ sở hữu nước ngoài đã quyết định đóng cửa nhà máy Moscow Renault. Họ có quyền làm điều này, nhưng chúng tôi không thể cho phép hàng nghìn công nhân bị bỏ rơi mà không có việc làm. Vào năm 2022, chúng tôi sẽ mở ra một trang mới trong lịch sử của Moskvich", ông Sobyanin viết trên trang cá nhân.

Moskvich từng là một thương hiệu ô tô lớn ở Liên Xô nhưng đã sa sút nghiêm trọng vào những năm 1990 và biến mất khỏi thị trường vào đầu những năm 2000.

Thương hiệu ô tô Liên Xô huyền thoại hồi sinh sau khi Nga quốc hữu hóa tài sản của Renault - Ảnh 2.

Nhà máy sản xuất ô tô Moskvich ở Moscow vào năm 1964. Ảnh: Chronicle / Alamy

Theo thống kê của cơ quan phân tích Autostat, hiện có gần 200.000 chiếc Moskvich vẫn được đăng ký ở Nga, trong đó có 46.000 chiếc đã hơn 35 năm tuổi.

Sergei Tselikov - người đứng đầu Autostat - nhận định, sự trở lại của Moskvich có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Phải mất ít nhất 2 năm và 1 tỷ USD để phát triển một chiếc xe mới", ông Tselikov nói khi được hỏi về kế hoạch hồi sinh thương hiệu từ thời Liên Xô.

Theo trang Stuff, các chủ sở hữu Nga mới tiếp quản hoạt động của Renault sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm linh kiện nhập khẩu cho ô tô, đặc biệt là các linh kiện điện tử. Hoạt động sản xuất ô tô của Nga phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng quốc tế đang bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng như việc đặt hàng từ bên ngoài nước Nga đã trở nên khó khăn và tốn kém hơn.

Thị trưởng Moscow Sobyanin đã vạch ra những kế hoạch đầy tham vọng cho thương hiệu Moskvich hồi sinh khi cho biết, nhà máy ở Moscow ban đầu sẽ sản xuất ô tô phổ thông với động cơ đốt trong, nhưng trong tương lai sẽ chuyển dần sang sản xuất ô tô điện.

Ông Sobyanin cũng tiết lộ đang làm việc với Bộ Thương mại Nga để tìm nguồn cung cấp linh kiện ô tô từ Nga càng nhiều càng tốt và nhà sản xuất xe tải Kamaz của Nga sẽ đóng vai trò là đối tác công nghệ chính của nhà máy.

Trong một tuyên bố, Kamaz nói rằng, mặc dù họ ủng hộ quyết định của Thị trưởng Moscow, nhưng các vấn đề liên quan đến hợp tác công nghệ vẫn đang được thảo luận và họ sẽ đưa ra tuyên bố chính thức sau khi những vấn đề đó được giải quyết.

Moskvich - có nghĩa là "quê hương của Moscow" - là thương hiệu ô tô có từ thời Liên Xô, nổi tiếng bởi sự bền bỉ và giá cả phù hợp với thu nhập của đông đảo người dân.

Các mẫu xe Moskvich bắt đầu được sản xuất từ năm 1946. Thập niên 60 và 70 của thế kỷ 20 là thời kỳ hưng thịnh của thương hiệu này khi Moskvich xuất khẩu xe tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, hãng xe này đã được tư nhân hóa và nhu cầu của khách hàng đối với các mẫu xe của Moskvich cũng giảm dần. Năm 2001, hãng Moskvich ngừng sản xuất và đến năm 2006 thì tuyên bố phá sản.


Các tin khác

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (27/4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên mốc 121 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 120 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn.

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Asus ra laptop cao cấp cho doanh nghiệp

Hãng tung nhiều sản phẩm chuyên biệt cho doanh nghiệp, nổi bật có laptop Asus ExpertBook với thiết kế tối giản, độ bền và bảo mật cao kèm dịch vụ tối ưu vận hành.

Băn khoăn dự án golf Sông Hồng: Quy hoạch chồng quy hoạch

Nguyên Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Hưng Yên Nguyễn Phúc Lai đánh giá dự án sân golf Sông Hồng không chỉ chồng lên, phủ định Quy hoạch tôn tạo, bảo tồn phát huy giá trị khu di tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung, mà còn tạo ra những ảnh hưởng đến sinh kế của người dân cũng như môi trường khu vực.

Khởi tố điều tra thương vụ Việt Á trúng 10 gói thầu trị giá hơn 200 tỷ ở Đồng Tháp

Ngày 18/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp và các đơn vị, cơ sở y tế khác trên địa bàn tỉnh, theo quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.

Điều trần tại Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc nói gì về UFO?

TTO - Phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 17-5 về UFO cuối cùng vẫn chưa có xác nhận của chính phủ về sự sống ngoài Trái đất. Tuy nhiên Lầu Năm Góc cho biết đã đề cử giám đốc cho một lực lượng đặc nhiệm mới để điều phối thu thập dữ liệu về UFO.

Ngân hàng tiếp tục tăng giá USD

Tiếp nối đà tăng từ sáng qua, nhiều ngân hàng thương mại sáng nay tiếp tục tăng giá USD bất chấp tỷ giá trung tâm quay đầu giảm mạnh.

Tránh ung thư, nên tránh 5 thức ăn này

TTO - Dầu thực vật hydro hóa, thực phẩm chứa nhiều muối, đường tinh luyện... nằm trong danh sách những thứ mà theo báo Times of India nên tránh/giảm tiêu thụ để giảm nguy cơ mắc ung thư.

Bình Định ‘siết’ quản lý các dự án nhà ở xã hội

Hiện, Bình Định có 15 dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai với khoảng 10.733 căn. Việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho công nhân cũng được đưa vào kế hoạch của tỉnh, tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà vì nhu cầu của người dân không cao.