Sức khỏe

Thực phẩm bẩn len lỏi thị trường: Bộ Y tế ra công văn ‘nóng’ yêu cầu kiểm tra toàn diện

Tóm tắt:
  • Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, người đứng đầu chịu trách nhiệm.
  • Văn bản số 2633/BYT-ATTP nhấn mạnh triển khai biện pháp giám sát, phòng ngừa ngộ độc theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.
  • Kiểm tra tập trung khu vực công nghiệp, du lịch, trường học, bếp ăn tập thể và điểm bán hàng rong.
  • Phối hợp thanh tra, kiểm tra và kiểm soát thực phẩm trên thị trường và nền tảng thương mại điện tử.
  • Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về lựa chọn và bảo quản thực phẩm an toàn.

Bộ Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã có văn bản số 2633/BYT-ATTP gửi Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố, yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đảm bảo an toàn thực phẩm trên toàn quốc.

Động thái này được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 và ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tại Công văn số 3565/VPCP-KGVX ngày 24/4/2025, nhằm xử lý triệt để tình trạng sản xuất, buôn bán thực phẩm và thuốc chữa bệnh giả đang có dấu hiệu gia tăng.

Văn bản do Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành nhấn mạnh, các địa phương cần khẩn trương ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ và phòng ngừa ngộ độc, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng về trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, trong đó người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm.

Các địa phương được yêu cầu chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra tại các khu vực trọng điểm như khu công nghiệp, khu du lịch, trường học, nơi có bếp ăn tập thể, các cơ sở dịch vụ ăn uống và điểm bán hàng rong. Đặc biệt cần hướng dẫn kỹ về cách lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm để đảm bảo an toàn, tránh sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, giả mạo hoặc kém chất lượng.

Thực phẩm bẩn len lỏi thị trường: Bộ Y tế ra công văn ‘nóng’ yêu cầu kiểm tra toàn diện ảnh 1

Xử lý triệt để và công khai vi phạm

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ giữa Sở Công Thương, ngành Y tế, Nông nghiệp và các lực lượng chức năng để thanh tra, kiểm tra thực phẩm trên thị trường. Mục tiêu là phát hiện và xử lý các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, hàng chưa thực hiện thủ tục tự công bố hoặc đăng ký theo quy định.

Đáng chú ý, việc kiểm soát thực phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử cũng được nhấn mạnh. Các sàn giao dịch, ứng dụng bán hàng trực tuyến, website thương mại điện tử sẽ bị rà soát nhằm kịp thời gỡ bỏ những sản phẩm vi phạm quảng cáo, không công bố hoặc có dấu hiệu lừa đảo.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương nhấn mạnh, phải kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động (nếu thuộc diện phải cấp). Đồng thời, công khai trên các phương tiện truyền thông danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm để cảnh báo người tiêu dùng.

Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng

Song song với kiểm tra và xử lý, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm cũng được yêu cầu đẩy mạnh. Nội dung truyền thông cần tập trung vào việc hướng dẫn người dân cách nhận biết thực phẩm an toàn, lựa chọn và chế biến thực phẩm truyền thống phù hợp với tập quán từng vùng miền nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh, tránh những thói quen tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe.

Người dân tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đóng hộp đã hết hạn, bị phồng, móp méo, rỉ sét hoặc có dấu hiệu biến chất. Chỉ sử dụng thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác đầy đủ.

Đây là một trong những biện pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh tình hình thị trường thực phẩm đang tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng.

Hà Minh

Các tin khác

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2025

Từ tháng 5/2025, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Quy định về thi tuyển công chức, viên chức; Chính sách cho trẻ em, học sinh miền núi, hải đảo; Nguyên tắc xác định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính...

Ngủ đa pha là gì?

Giấc ngủ đa pha giúp tăng thời gian làm việc, hoạt động, song có thể làm rối loạn chu kỳ sáng - tối, có thể gây mất ngủ.

Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, đừng chờ nữa?

Việt Nam xác định trung tâm tài chính là một trong những mũi nhọn chiến lược, đột phá thể chế mang tầm quốc gia nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng; huy động, phân bổ và nâng cao hiệu quả dụng nguồn lực; tăng sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia tài chính trong và nước ngoài. Thanh Niên xin giới thiệu bài viết của chuyên gia tài chính Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Viễn Đông về những giải pháp cốt lõi phải triển khai để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Giá vàng nơi tăng, chỗ giảm

Sáng nay (4/5), giá vàng miếng SJC tăng giảm trái chiều giữa các doanh nghiệp. Theo đó, chênh lệch bán ra giữa các doanh nghiệp lên cao nhất hơn 2 triệu đồng/lượng.

Tín hiệu đàm phán thuế quan Việt - Mỹ; chế độ cho người nghỉ hưu trước tuổi

Nhiều tín hiệu tích cực trong đàm phán thuế quan Việt - Mỹ; đề xuất kinh phí giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ hưu sớm; nước nào tiêu thụ cá tra Việt Nam lớn nhất thế giới? Quảng cáo lố bịch liên quan Quốc kỳ Việt Nam, Amazon bị nhiều người tẩy chay... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Giảm giá xăng dầu sau kỳ nghỉ lễ?

Theo thông tin đã được Bộ Công Thương công bố, kỳ điều hành giá xăng dầu vào thứ Năm vừa qua trùng với dịp nghỉ Lễ quốc tế lao động nên lịch điều chỉnh mới là ngày 5/5. Trước đà giảm liên tục của giá dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước ngày mai dự báo sẽ giảm nhẹ từ 40-100 đồng/lít.