Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metal trong nông nghiệp…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng đề nghị tổ chức cuộc đối thoại với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đổi mới, chân thành, tin cậy, trách nhiệm để xử lý các vấn đề, bảo đảm hiệu quả. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý, giải quyết, mỗi người trên cương vị, thẩm quyền, trách nhiệm phải làm hết mình, không phải nêu ra vấn đề rồi để đấy.
Phân lô, bán nền đất nông nghiệp trái pháp luật
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, hội nghị liên tục nhận được những câu hỏi “nóng”, đi vào trọng tâm các vấn đề đang được quan tâm, vướng mắc trong thời gian qua của nông dân.
Tại đầu cầu Bắc Giang, nông dân Hoàng Đình Quê đặt câu hỏi tới Thủ tướng |
|
Nông dân Hoàng Đình Quê (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) nêu vấn đề: Thời gian qua, giá đất tại nhiều nơi tăng nóng, dẫn tới hiện tượng bà con nông dân cũng tham gia buôn bán đất đai. Việc tăng giá đất dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sản xuất nông nghiệp, cho đảm bảo an ninh, trật tự ở nhiều địa phương.
Trước thực trạng này, ông Quê đặt câu hỏi: “Thủ tướng, Chính phủ có các giải pháp gì nhằm kiểm soát giá đất, giám sát việc buôn bán, chuyển nhượng đất đai đúng các quy định của pháp luật?”.
Đối thoại với nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: Với vấn đề đất đai, vừa phải có giải pháp xử lý các vấn đề tình thế, vừa phải có giải pháp lâu dài. Đất đai là nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế, đời sống người dân, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát huy tốt nhất nguồn lực này, hạn chế thấp nhất các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng…
Ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an (trái) trả lời nông dân |
|
Ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận, thời gian qua nổi lên tình trạng phân lô, bán nền đối với đất nông nghiệp, đất quy hoạch, trồng cây lâu năm, tập trung ở các tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh. Thực trạng này gây nên nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư, người mua đất, cản trở các nhà đầu tư, ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội
Ông Hùng chỉ rõ: “Chủ đầu tư đã rao bán khi chưa có quy hoạch cụ thể. Hoặc đối với đất đã quy hoạch thì tự ý xây dựng hạ tầng sau đó phân lô bán nền trái pháp luật, đặc biệt là mua bán trên các sàn thương mại trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về giải pháp cho vấn đề này, ông Hùng cho biết, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các cấp, ngành thường xuyên cập nhật thủ đoạn của các nhóm "xã hội đen", giang hồ liên kết với nhau, vẽ ra các dự án "ma" để lừa đảo người dân; chỉ đạo công an các địa phương tham mưu cho chính quyền các cấp giải quyết ngay từ đầu, từ sớm, từ xa, hạn chế tập trung đông người khiếu kiện về đất đai.
Chính sách đã rõ, nông dân vẫn khó vay vốn
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều chương trình cho người dân vay vốn phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nông dân Trần Thị Thanh Thoan (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) cho biết, bà con vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến nạn "tín dụng đen" vẫn còn đất để tồn tại. Chị Thoan đặt câu hỏi: “Chính phủ sẽ có giải pháp gì mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi nạn 'tín dụng đen' ở nông thôn?”.
Nông dân Trần Thị Thanh Thoan đặt câu hỏi về vốn tín dụng, đẩy lùi "tín dụng đen" |
|
Trả lời câu hỏi, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, năm 2017, NHNN đi khảo sát thực tế và thấy được rất nhiều câu chuyện đau lòng về tín dụng đen. Từ đó, ngành ngân hàng cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này, nếu như làm tốt cung ứng vốn sẽ hạn chế được tín dụng đen. Cũng từ năm đó (2017), NHNN có nhiều chính sách để hạn chế tín dụng đen như.
Kết quả cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ đến cuối tháng 4/2022 đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng, chiếm trên 20% dư nợ nền kinh tế, tăng 8,93% so với cuối năm 2021.
So với năm 2017, "tín dụng đen" theo đánh giá sơ bộ giữa NHNN và Bộ Công an đã giảm hơn 1 nửa, những sự việc đau lòng cũng hạn chế.
Trong thời gian tới, ông Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục mở rộng hơn tín dụng chính thức. “Năm 2019, chúng tôi cùng Bộ Công an đi khảo sát ở Hòa Bình, những nơi vùng sâu vùng xa nhận ra hai vấn đề. Muốn hạn chế "tín dụng đen", tăng cường tín dụng chính thức, thì phải để người dân hiểu, vay vốn chính thức ngân hàng không khó khăn như nhiều người nói, và ngại đến ngân hàng. Ngoài ra, cần kết hợp với chính quyền cơ sở quản lý người dân, nắm được nhân thân, cũng như mục đích vay vốn chính đáng chứ không phải vay vốn để lô đề cờ bạc”, ông Tú chỉ rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, đối với chương trình phục hồi và phát triển, chính sách hỗ trợ đã rõ, nhưng trong tổ chức thực hiện, việc tiếp cận vốn tín chấp còn khó khăn. |
Làm rõ thêm vấn đề nông dân Trần Thị Thanh Thoan nêu ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngân hàng nghiên cứu thêm về vấn đề này; chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng trong việc thẩm định các hồ sơ vay vốn tín chấp; các hộ nông dân cũng phải có dự án, rõ ràng, khả thi, hiệu quả thì ngân hàng sẽ chia sẻ nhiều hơn.
Thủ tướng cho rằng, việc chống "tín dụng đen" phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và cơ quan chức năng. Bộ Công an phối hợp với NHNN nghiên cứu việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để hỗ trợ thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các thông tin cơ bản của người vay, giúp người dân có thể vay vốn ngân hàng thuận tiện hơn, hạn chế tín dụng đen.
Đây là lần thứ 4, hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam được tổ chức, và là hội nghị đầu tiên trong nhiệm kỳ mới. Chủ đề của hội nghị đối thoại lần này là: “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.