Năm 1930, nhà kinh tế học nổi tiếng Keynes đã đưa ra một dự đoán lý tưởng cho tương lai, đó là đến năm 2030, con người sẽ rút ngắn thời gian làm việc xuống còn 15 giờ/tuần.
Thật đáng tiếc khi chúng ta, những người sống ở năm 2023, lại không được tận hưởng cuộc sống nhàn hạ như vậy, thứ đang chờ đợi chúng ta là những ngày làm việc suốt tuần, và cả những buổi tăng ca.
Cách đây không lâu, có một cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ câu chuyện của mình như này:
"Lương tháng 18.000 tệ (khoảng 60 triệu đồng) nhưng công việc hàng ngày chỉ là giúp sếp sắp xếp cuộc họp, đặt cơm và xử lý chuyển phát nhanh. Tôi nghi ngờ giá trị công việc của mình. Nếu cứ tiếp tục như vậy, tôi cảm thấy mình sắp trở nên vô dụng."
Lương cao nhưng vô nghĩa, vậy thì có nên nghỉ việc không làm nữa không? Thực ra cũng không cần thiết.
Rất nhiều khi, công việc mà bạn đang cố gắng thoát khỏi một cách tuyệt vọng có thể là công việc mà nhiều người khao khát.
Vậy thì, "Bạn nghĩ lúc nào mới là lúc nên rời bỏ công việc của mình?"
1. Sức khỏe thể chất và tinh thần kêu cứu
Những tin tức như "Cô gái 22 tuổi thức trắng đêm làm thêm giờ đột tử" hay "Người đàn ông đột tử khi làm thêm giờ sau khi tan sở" ngày càng không phải là hiếm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế, làm thêm giờ là một trong những rủi ro bệnh nghề nghiệp lớn nhất.
Một số người nghĩ rằng họ có thể làm thêm giờ và làm được nhiều việc hơn khi còn trẻ. Nhưng nó có thực sự đáng không? Đi khám bệnh thông thường thôi, chi phí khám bệnh đã là 150k trở lên, khám giáo sư tiến sỹ cũng mất 500k – 600k, chưa kể tiền xét nghiệm, tiền thuốc thang… Nhiều khi một cơn cảm lạnh đơn giản thôi cũng có thể khiến bạn mất cả nửa tháng lương. Chưa kể, nếu những bệnh nhẹ không được cải thiện và kiểm soát, trở nặng lúc nào không hay, tới lúc không chịu được nữa thì e là hối hận cũng không kịp.
Vì vậy, khi một công việc đã gây ra những tổn hại lâu dài cho sức khỏe của bạn, bạn có thể cân nhắc chuyển hoặc thay đổi công việc.
Ngoài ra, nếu cấp trên có những hành vi không đúng mực, hoặc nếu đồng nghiệp không hòa thuận với nhau, hãy nghỉ việc!
2. Hạn chế trong cơ hội phát triển
Không thay đổi lương hay vị trí công việc trong 2-3 năm? Trong hoàn cảnh nào thì một người sẽ không được thăng chức hoặc tăng lương trong một thời gian dài? Một là điều kiện hoạt động của công ty có vấn đề, kênh thăng tiến và tăng lương bị đóng, hai là hiệu quả công việc của bạn không được cấp trên công nhận, đương nhiên sẽ không được cất nhắc khi có cơ hội. Nói một cách đơn giản thì là liệu công ty của bạn có tiền đồ hoặc bạn có tiền đồ tại công ty đó hay không.
Những gì bạn đang làm trong năm nay chỉ là lặp lại nội dung công việc của năm ngoái, quá trình làm việc máy móc và bảo thủ, chỉ cần vận hành theo kinh nghiệm đã qua, không có đột phá và đổi mới, cũng không có cách để nâng cao hiệu quả, hay không cho ra kết quả tốt hơn.
Có một từ gọi là chi phí thời gian, bạn càng trẻ, thời gian và sức lực càng quý giá, chỉ có thâm niên mà không có năng lực mới là điều đáng sợ!
3. "Việc lương cao nhưng không thích và việc lương thấp nhưng đúng việc mình thích, bạn chọn cái nào?"
Dựa vào hoàn cảnh bên ngoài và điều kiện khác nhau của bản thân, mỗi người sẽ có những lựa chọn rất khác nhau.
Có hai câu chuyện như này.
Một người là Luo Hong, người sáng lập Holiland, một thương hiệu bánh nổi tiếng ở Trung Quốc. Anh ấy rất thích chụp ảnh, ban đầu, anh đến một cửa hàng chụp ảnh để học việc, có cả kỹ năng và tiền bạc trong tay. Sau đó, tự mình mở một cửa hàng chụp ảnh, nhưng kết quả nợ nần chồng chất và phải đóng cửa. Sau khi kết hôn, Luo Hong mở một cửa hàng bánh ngọt một cách khá tình cờ, dần dần nó phát triển thành một chuỗi, chính là Holiland mà nhiều người Trung Quốc quen thuộc, hiện tại anh đã thực hiện được ước mơ tự do tài chính. Có tiền, Luo Hong phân chia công việc cho những người khác, và lại tiếp tục đam mê nhiếp ảnh.
Người thứ hai là thực tập sinh Xiang Qinqin trong chương trình tạp kỹ của trung Quốc có tên "Chúng tôi là những người mới ở nơi làm việc - Mùa pháp y". Xiang Qinqin đến từ một vùng núi thuộc Quý Châu, từ nhỏ đã thích công việc pháp y, không thi được vào chuyên ngành mong ước tại một trường đại học tốt nên cô đã theo học ngành y tá, sau khi tốt nghiệp, cô làm việc trong lĩnh vực tang lễ, làm việc suốt 5 năm, để quan sát học tập thêm về công việc pháp y, cô thường xuyên ngủ lại tại nhà xác. Sau đó, cô trở thành trợ lý của ông Liu Liang, một chuyên gia pháp y, và khi ấy mới thực sự bước vào ngành pháp y.
Con đường sự nghiệp của hai người này đều có hơi khúc khuỷu. Luo Hong có tiền mới có thể hỗ trợ bản thân thực hiện công việc nhiếp ảnh yêu thích của mình; còn Xiang Qinqin, để có thể theo đuổi công việc pháp y mơ ước của mình trong tương lai, cô cũng đã chọn một công việc có thể kiếm sống và có chút liên hệ với công việc pháp y, nhưng có một điểm rất quan trọng đó là, sở thích cũng cần phải được duy trì bằng kinh tế.
Gần đầy, Nhậm Chính Phi trong một bài phát biểu nội bộ có nói: "Trong 3 năm tới, Huawei sẽ lấy sự sinh tồn làm cương lĩnh thiết yếu của công ty."
Có thể thấy nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm và môi trường sinh tồn của chúng ta sẽ ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, khi chọn một công việc, hãy chắc chắn rằng thu nhập từ công việc này có thể duy trì cuộc sống của bạn, để bạn có thể lo được cho bản thân dù có bị thất nghiệp một năm hoặc nửa năm.
Bạn có thể chọn công việc lương cao nhưng không quá thích, đợi đến khi tự do về tài chính rồi mới làm việc mình thích, hoặc bạn cũng có thể chọn công việc mình thích với mức lương thấp hơn nhưng vẫn có thể duy trì cuộc sống.
Tất nhiên, tôi hy vọng rằng tất cả mọi người có thể tìm thấy một công việc mà bản thân vừa yêu thích lại vừa có thu nhập phù hợp.
Lời kết:
Trong cuộc đời mỗi người, có lẽ ai cũng khó thoát khỏi cảnh đặt ra trong đầu mình một câu hỏi như "mỗi ngày mình làm cái công việc gì thế này" cho đến việc phải đắn đo có nên nghỉ việc hay không, hay không biết nên tìm công việc gì tiếp theo.
Mất phương hướng là điều rất bình thường, nhưng điều quan trọng hơn cả là phải biết lập kế hoạch cho bản thân.
Một khi đã chọn được mục tiêu, con đường có quanh co một chút cũng không phải vấn đề.