Giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu của Trung Linh Phát được cấp ngày 8/1/2021. Sau khi bị rút giấy phép, doanh nghiệp này phải gửi bản chính giấy phép kinh doanh về Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) trước ngày 7/12.
Họ cũng phải chuyển nộp toàn bộ số dư và nợ tiền Quỹ bình ổn xăng dầu vào ngân sách nhà nước. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, số dư quỹ bình ổn tại doanh nghiệp này là gần 27 tỷ đồng, tính tới cuối quý II.
Công ty Trung Linh Phát là thương nhân đầu mối xăng dầu, có trụ sở tại Ninh Bình. Doanh nghiệp này từng bị xử phạt do không chuyển số dư Quỹ bình ổn xăng dầu vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Đầu năm nay, Bộ Công Thương yêu cầu công ty này nộp lại số tiền hơn 26 tỷ đồng nợ quỹ bình ổn, sau nhiều lần nhắc nhở.
Gần nhất, Trung Linh Phát bị phạt hành chính 245 triệu đồng do gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối, không duy trì mức dự trữ xăng dầu tối thiểu. Hồi giữa tháng 6, công ty này cũng bị tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu 1 tháng.
Sau khi Trung Linh Phát bị rút giấy phép, thị trường còn 30 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Theo kế hoạch năm nay, Bộ Công Thương kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu. Danh sách kiểm tra gồm 6 doanh nghiệp đầu mối và 8 thương nhân phân phối. Ngoài số này, cơ quan quản lý cũng kiểm tra, xử lý 24 doanh nghiệp (4 đầu mối, 20 thương nhân phân phối) có dấu hiệu vi phạm qua rà soát báo cáo.
Năm nay, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối thực hiện là 28,4 triệu m3, tấn xăng dầu các loại. 10 tháng đầu năm, nguồn cung xăng dầu cho thị trường cơ bản được đảm bảo, theo nhà điều hành. Bộ Công Thương cho biết sẽ có các giải pháp để bảo đảm nguồn cung những tháng cuối năm.