Các thiết bị đeo thường bị hạn chế về thời lượng pin do kích thước nhỏ. Ba nhà nghiên cứu Andy Kong, Daehwa Kim và Chris Harrison thuộc Future Interfaces Group của Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) đã tìm ra cách vượt qua trở ngại này bằng công nghệ Power over Skin.
Nhóm cho biết cơ thể người tạo ra năng lượng RF 40 MHz hiệu quả. Họ cũng đã tối ưu hóa các bộ thu để đảm bảo kích thước, trọng lượng, hình dáng và hiệu suất phù hợp. Bộ thu này có thể được đặt ở bất kỳ đâu trên cơ thể và hoạt động thông qua lớp quần áo, thậm chí có khả năng tích hợp vào smartphone.
Công nghệ hiện được thử nghiệm trên thiết bị như nhẫn Bluetooth, miếng dán y tế ghi lại dữ liệu sức khỏe người dùng và miếng dán chống nắng có màn hình. Dù truyền qua quần áo làm giảm hiệu suất, nhóm đã thực hiện hàng chục thử nghiệm và nhận thấy tiềm năng lớn của Power Over Skin. Năng lượng đủ để vận hành vi xử lý và cảm biến, hiển thị đầu ra và thực hiện truyền không dây khi được đeo ở các vị trí khác nhau.
Trong tương lai, giải pháp có khả năng cung cấp năng lượng cho kính thực tế ảo và nhiều loại thiết bị đeo khác nhau. Vì cơ thể luôn tạo năng lượng, người dùng có thể đeo nhiều thiết bị cùng lúc, không cần tháo ra để sạc, giúp loại bỏ nhu cầu về pin, giảm khối lượng và kích thước thiết bị. Nhờ đó, sự phụ thuộc vào những khoáng chất quý hiếm cho sản xuất pin cũng giảm đi, góp phần cách mạng hóa ngành công nghiệp thiết bị đeo.
(theo Tom's Hardware)