Bất động sản

Thị trường bất động sản Khánh Hòa đón dòng vốn lớn

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trao biên bản ghi nhớ phát triển dự án cho đại diện các doanh nghiệp. (Ảnh: Báo Khánh Hòa).

Ngày 2/4, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023.

Theo báo cáo của tỉnh Khánh Hòa, đến nay, tỉnh đã thu hút được 119 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 4,39 tỷ USD. Giai đoạn từ năm 2020 đến nay có 7 dự án mới với tổng vốn đăng ký 119,85 triệu USD.

Về đầu tư trong nước, tỉnh đã thu hút gần 500 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 480.000 tỷ đồng; riêng từ năm 2020 đến nay có 44 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, tỉnh Khánh Hòa lựa chọn, trao chấp thuận chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32.250 tỷ đồng.

Cụ thể, gồm: Dự án Nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home (tại phường Cam Nghĩa) của CTCP Muối Cam Ranh với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.756 tỷ đồng; dự án Nhà ở xã hội Hưng Phú II của Công ty TNHH Thiết kế Đầu tư Xây dựng Nguyên Hạnh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.014 tỷ đồng; dự án Khu du lịch sinh thái Thanh Vân của CTCP Du lịch sinh thái Thanh Vân với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.175 tỷ đồng; dự án KDL Bãi Cát Thấm của CTCP T&M Vân Phong với tổng vốn đầu tư đăng ký 25.000 tỷ đồng,…

Ngoài ra, tỉnh này cũng lựa chọn trao biên bản ghi nhớ phát triển dự án cho 15 doanh nghiệp với tổng vốn dự kiến khoảng trên 80.000 tỷ đồng. 

Trong đó có nghiên cứu đầu tư các dự án như: Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân gôn (golf) Hòn Lớn - Khải Lương của CTCP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (25.000 tỷ đồng); Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng suối khoáng nóng và dịch vụ phụ trợ Cổ Mã - Tu Bông của Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc (10.000 tỷ đồng); Bến cảng khách KN Cam Ranh (bến du thuyền quốc tế Cam Ranh) của Công ty TNHH KN Cam Ranh (2.100 tỷ đồng), Xây dựng và Vận hành Cảng hàng không Quốc tế Vân Phong của CTCP Đầu tư Phát triển Vân Đồn (10.000 tỷ đồng); Trung tâm cảng biển – đô thị Đầm Môn của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long (11.000 tỷ đồng).

Ngoài ra còn có Khu đô thị giáo dục, phát triển công nghệ và sản xuất phần mềm của CTCP FPT (4.000 tỷ đồng); dự án Trường liên cấp Vinschool của CTCP Vinschool (510 tỷ đồng); xây dựng Nhà ở xã hội đạt tiêu chuẩn công trình xanh của CTCP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (600 tỷ đồng),...

Trước đó, ngày 29/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay Thủ tướng ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo quy hoạch được phê duyệt, mục tiêu phát triển tổng quát của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp - công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; phấn đấu trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu Á với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại…

Quy hoạch cũng xác định 3 vùng động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa là: Khu vực vịnh Vân Phong - trung tâm kinh tế biển hiện đại. TP. Nha Trang - trung tâm kinh tế, chính, trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Khu vực vịnh Cam Ranh - vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; trong đó phát triển TP. Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị: Đến năm 2030, Khánh Hòa có hai đô thị loại I (TP. Nha Trang và đô thị mới Cam Lâm), một đô thị loại II (TP. Cam Ranh), một đô thị loại III, hai đô thị loại IV và các đô thị loại V. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm