Khoa học

Thêm một quốc gia cấm "đào" tiền ảo vì quá tốn điện

Tóm tắt:
  • Kuwait trấn áp khai thác tiền ảo bất hợp pháp do gây quá tải điện năng mùa hè khắc nghiệt.
  • Hoạt động đào coin tiêu thụ điện gấp 20 lần bình thường ở khu Al-Wafrah, khiến lưới điện căng thẳng.
  • Chiến dịch kiểm soát giảm điện tiêu thụ tại Al-Wafrah tới 55%, hiệu quả nhanh chóng.
  • Kuwait cấm khai thác và giao dịch tiền ảo từ 2023, nhằm ngăn chặn mất điện và bảo vệ tài nguyên.
  • Nhiều nước khác cũng cấm hoặc siết quản lý đào coin do lo ngại thiếu hụt năng lượng.

Đối mặt với nguy cơ thiếu điện trầm trọng và lưới điện quá tải trước thềm mùa hè khắc nghiệt, chính quyền Kuwait đang tiến hành một chiến dịch quy mô lớn nhằm trấn áp hoạt động khai thác tiền ảo (đào coin) bất hợp pháp, vốn bị xem là "thủ phạm" ngốn điện năng khổng lồ.

Theo hãng tin Reuters, Bộ Nội vụ Kuwait đã triển khai các hoạt động an ninh trên diện rộng, đặc biệt nhắm vào những hộ gia đình bị nghi ngờ sử dụng nhà ở làm cơ sở khai thác tiền ảo. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo mùa hè tại Kuwait có thể chứng kiến nhiệt độ thiêu đốt lên tới 51,7 độ C (125 độ F), gây áp lực cực lớn lên hệ thống điện.

Kuwait cấm đào coin vì quá tốn tài nguyên điện.

Kuwait cấm đào coin vì quá tốn tài nguyên điện.

Giới chức Kuwait khẳng định việc khai thác tiền ảo là bất hợp pháp, viện dẫn lệnh cấm do Cơ quan Thị trường Vốn ban hành từ năm 2023, áp dụng cho cả hoạt động khai thác và giao dịch. Nguyên nhân chính của lệnh cấm và chiến dịch trấn áp hiện tại là do hoạt động này tiêu thụ điện năng quá mức, gây mất điện và làm căng thẳng lưới điện quốc gia.

Chiến dịch tập trung mạnh vào vùng Al-Wafrah ở phía nam đất nước, nơi Bộ Điện lực ước tính có khoảng 100 ngôi nhà tham gia đào coin, với mức tiêu thụ điện cao gấp 20 lần bình thường. Đáng chú ý, sau khi chiến dịch được triển khai, lượng điện tiêu thụ tại khu vực này đã giảm tới 55%, cho thấy hiệu quả tức thì của các biện pháp mạnh tay.

Việc khai thác tiền ảo đòi hỏi sức mạnh tính toán khổng lồ và tiêu tốn lượng điện năng tương ứng không còn là bí mật. Kuwait không đơn độc trong cuộc chiến này. Nhiều quốc gia khác như Nga, Kosovo, Angola đã cấm hoàn toàn hoạt động này, trong khi các nước châu Âu như Iceland, Na Uy phải siết chặt quản lý do lo ngại thiếu hụt năng lượng.

Mặc dù theo ước tính của Đại học Cambridge, Kuwait chỉ chiếm khoảng 0,05% tổng lượng đào Bitcoin toàn cầu (năm 2022), nhưng chuyên gia Alex de Vries-Gao nhận định, "chỉ cần một phần rất nhỏ trong mạng lưới đào Bitcoin cũng đủ gây tác động đáng kể đến tổng mức tiêu thụ điện tương đối nhỏ của Kuwait". Con số này hoàn toàn tương phản với Mỹ, nơi hoạt động đào coin chiếm tới gần 2,5% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia – gần bằng một nửa mức tiêu thụ của toàn bộ khu vực thương mại.

Hành động quyết liệt của Kuwait cho thấy sự ưu tiên của chính phủ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và ổn định lưới điện, đặc biệt khi đối mặt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Các tin khác

Skype chính thức ngừng hoạt động

Sau 22 năm có mặt trên thị trường, nền tảng giao tiếp Skype của Microsoft ngừng hoạt động từ 5/5 để chuyển sang Teams.

PepsiCo công bố danh sách các công ty lọt vào vòng chung kết "Greenhouse Accelerator 2025"

Trong tháng 04 năm 2025, PepsiCo vừa công bố danh sách 10 công ty khởi nghiệp lọt vào vòng chung kết Chương trình Greenhouse Accelerator mùa thứ ba tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một nước đi táo bạo nhằm đẩy nhanh sự đổi mới trong các lĩnh vực nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn và biến đổi khí hậu.

Ngã ngưởng với "sữa cỏ": Quảng cáo rất bốc, chất lượng tù mù

Bằng những lời quảng cáo “nổ” về công dụng thần thánh như giúp trẻ tăng cân thần tốc, phát triển chiều cao sau 3-6 tháng… ma trận “sữa cỏ” đang âm thầm bủa vây người tiêu dùng Việt. Các loại sữa này thâm nhập sâu vào hệ thống đại lý và phủ khắp các kênh bán hàng online khiến người tiêu dùng rối bời.