LPB:
Theo dự kiến, ngày 17/4, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank – LPB) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Trong các tờ trình tại Đại hội, một nội dung đáng chú ý là việc đổi tên của ngân hàng. Cụ thể, HĐQT LPBank cho biết từ năm 2011 đến nay đã sử dụng tên “Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt”. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, phát triển toàn diện, ngân hàng cần tên gọi mới để phù hợp với tình hình mới.
Việc thay đổi tên gọi nhằm đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong giai đoạn hiện nay, thể hiện định hướng phát triển mới, nâng tầm vị thế và hình ảnh của ngân hàng.
Theo đó, HĐQT đề xuất đổi tên Tiếng Việt của ngân hàng từ "Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt" thành "Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Việt Nam". Tên đầy đủ bằng Tiếng Anh từ: "Lien Viet Post Joint Stock Commercial Bank" thành "Vietnam Post Commercial Joint Stock Bank".
Tên giao dịch từ "Ngân hàng Bưu điện Liên Việt" thành "Ngân hàng Bưu điện Việt Nam".
ĐHĐCĐ giao/ủy quyền cho HĐQT được quyết định thời điểm thực hiện đổi tên và tiến hành các thủ tục để thực hiện đổi tên như xin phép NHNN, sửa đổi giấy phép thành lập, giấy phép hoạt động, thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp,…
Trong quá trình thực hiện, HĐQT được toàn quyền chủ động quyết định điều chỉnh/thay đổi tên gọi mới nêu trên nếu thấy cần thiết và/hoặc theo ý kiến của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trước đó, năm 2023, ngân hàng này đã thay đổi nhận diện thương hiệu cũng như tên viết tắt từ "LienVietPostBank" thành "LPBank" sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Ngân hàng cho biết, việc thay đổi nhận diện thương hiệu là bước đi chiến lược của LPBank để bắt đầu cho một giai đoạn phát triển mới.
Năm 2024, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2023. Tổng tài sản dự kiến đạt 427.260 tỷ đồng, tăng 11,6%. Tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,8%. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng thực tế có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Tại Đại hội, LPBank cũng sẽ trình cổ đông phương án chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Cụ thể ngân hàng muốn chào bán thêm tối đa 800 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng lên hơn 33.500 tỷ đồng. Giá chào bán không thấp hơn mệnh giá, mức giá cụ thể ủy quyền cho HĐQT quyết định. Cổ phiếu mới chào bán không bị hạn chế chuyển nhượng.