Chứng khoán

Thấy gì khi VNDirect tổ chức đại hội cổ đông bất thành?

Sau biến cố bị hacker quốc tế tấn công, hoạt động và chiến lược ban lãnh đạo VNDirect (Mã: VND) được nhiều cổ đông quan tâm. Cũng vì lẽ thế, theo quan sát của người viết, lượng cổ đông tham dự đại hội năm nay tăng đột biến.

Thậm chí bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch VNDirect phải thừa nhận về đội ngũ cổ cổ đông đông đảo năm nay, trong khi những năm trước đó công ty phải “gọi những nhân viên của công ty lên hội trường tham dự đại hội cho đông đủ”.

Nhưng lượng cổ đông tham dự và ủy quyền nắm giữ lượng cổ phần không đủ túc số 50% để VNDirect có thể tổ chức đại hội cổ đông trong lần đầu. Đây là sự kiện hi hữu với VNDirect kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Ngay sau khi đại hội tổ chức bất thành, VNDirect ra thông báo sẽ tổ chức đại hội lần hai trong ngày 28/6 tới đây. Theo quy định, trong lần thứ hai, túc số để có thể tiến hành là 33%. Với tỷ lệ này, nhiều khả năng công ty chứng khoán này có thể tổ chức đại hội.

Sở dĩ điều này được đề cập tới bởi tại thời điểm chốt quyền, cá nhân chủ tịch VNDirect sở hữu gần 3% vốn công ty. Tổ chức có liên quan là CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (Mã: IPA) nắm giữ khoảng 26% vốn. Ngoài tỷ lệ sở hữu gần 30% của hai cổ đông trên, VNDirect còn nằm trong danh mục đầu tư của nhiều quỹ đầu tư khác.

Song, khi sự kiện chưa từng có trong lịch sử này xảy ra, có thể cổ đông của VNDirect đặt ra câu hỏi rằng bà Phạm Minh Hương và nhóm cổ đông liên quan liệu còn khả năng kiểm soát doanh nghiệp. Bởi dấu hiệu nhóm cổ đông lớn không thể kiểm soát được “cuộc chơi” đại hội trên thị trường chứng khoán Việt Nam không ít lần châm ngòi cho một thương vụ M&A hoặc hơn đó là đổi chủ. Nhãn tiền là thương vụ ông Nguyễn Bá Dương phải rời khỏi đứa con tinh thần Coteccons (Mã: CTD) để nhường ghế cho nhóm cổ đông lớn khác.

 

Trở lại với VNDirect, công ty đã đẩy mạnh tăng vốn theo xu hướng của ngành chứng khoán những năm qua. Kể từ khi niêm yết trên thị trường, vốn điều lệ của công ty gấp hơn 15 lần kể từ mức gần 1.000 tỷ đồng. Thời điểm chốt quyền tham dự đại hội cổ đông thường niên năm 2024, quy mô vốn của VNDirect là gần 12.200 tỷ đồng.

Cuối tháng 5 vừa qua, công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông (tỷ lệ 5%) và phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 20%) với giá 10.000 đồng/cp, nâng tổng vốn điều lệ lên hơn 15.200 tỷ đồng, xếp thứ hai ngành chứng khoán.

Hoạt động tăng vốn tại VNDirect được đẩy mạnh nhất trong bắt đầu từ năm 2021 khi thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào chu kỳ bùng nổ, nhu cầu margin tăng cao. Trong giai đoạn 2021 – 2024, vốn điều lệ của VNDiect gấp gần 7 lần, từ hơn 2.200 tỷ đồng lên 15.200 tỷ đồng.

Và khi cấu trúc cổ đông của VNDirect pha loãng, tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết của công ty bắt đầu giảm sâu. Kể từ khi niêm yết năm 2010 đến năm 2020, tỷ lệ cổ phần tham dự đại hội thường xuyên duy trì trên ngưỡng 60%, cao nhất là 72% trong kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.

Nhưng ba kỳ đại hội sau đó, tỷ lệ này đột ngột giảm sâu xuống dưới 55%. Trong hai năm 2021 và 2023, tỷ lệ này chỉ đạt trên 51%, vừa đủ để tiến hành. Thực trạng này đưa VNDirect vào nhóm có tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội thấp nhất trong Top 20 công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần.

 

Đây là hệ quả từ việc cấu trúc cổ đông của công ty ngày càng phân mảnh. Nếu như tại thời điểm niêm yết, công ty có 106 cổ đông gồm 103 cá nhân và 3 tổ chức. 14 năm sau đó, cập nhật thời điểm đầu tháng 6/2023, VNDirect có 63.488 cổ đông, trong đó 62.465 cổ đông là nhà đầu tư cá nhân. Nhóm nhà đầu tư này nắm giữ gần 51% vốn của công ty. Cập nhật tới hiện tại, lượng cổ đông có thể lên tới hàng trăm nghìn.

Đây là hiện tượng không hiếm gặp trên thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ. Nhiều công ty đã không thể tổ chức được đại hội đồng cổ đông trong lần đầu như DIC Corp (Mã: DIG), CII (Mã: CII), CEO Group (Mã: CEO), Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) hay Hải Phát (Mã: HPX).

Đặc điểm chung của những cổ phiếu này từng trải qua làn sóng tăng giá rất mạnh trong giai đoạn thị trường bùng nổ 2020 – 2022 đẩy lượng thanh khoản tăng cao. Thậm chí thị trường từng xưng danh đây là những cổ phiếu quốc dân khi nhà nhà người người trên các cộng đồng đâu tư chứng khoán bàn tới.

Nhưng khi những doanh nghiệp này chật vật không thể tổ chức đại hội. Hai câu hỏi lớn được đặt ra. Như vừa nêu trên, thứ nhất rằng nhóm chủ còn kiểm soát được doanh nghiệp? Vấn đề thứ hai, đó không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp mà còn là câu chuyện chung của thị trường. Khi những nhà đầu tư thờ ơ hoạt động và chiến lược của doanh nghiệp, có nghĩa yếu tố đầu cơ từng được đẩy lên cao, cổ phiếu được trao tay cho những người không thực sự hiểu hoặc đủ nền tảng để quan tâm đến vận hành doanh nghiệp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm