Chứng khoán

Thắng lớn nhờ cổ phiếu công nghệ, viễn thông năm 2024

"Tài khoản của tôi đã tăng gần như gấp đôi khi nắm giữ cổ phiếu FPT trong năm 2024", anh Đặng Tiến, một nhà đầu tư chứng khoán tại Hà Nội, khoe.

Tháng 8/2023, anh đã chi hơn 90 triệu, tức một nửa danh mục, mua 1.000 cổ phiếu FPT của tập đoàn FPT với suy nghĩ "để đầu tư dài hạn". Tức là anh xác định chưa thể có lãi nhiều ngay. Nửa còn lại anh mua một số ngành khác để đa dạng hóa danh mục và kỳ vọng lợi nhuận ngắn hạn.

Tuy nhiên, tài khoản chứng khoán anh dùng để mua "lướt sóng" cổ phiếu đã không có lãi trong năm 2024. Ngược lại, tính cả các khoản trả cổ tức của tập đoàn FPT cho năm 2023, tài khoản mà anh đang nắm giữ cổ phiếu này gần như đã nhân đôi. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12/2024, cổ phiếu FPT có giá 152.500 đồng một cổ phiếu tăng 82% từ đầu năm và tăng 100% so với cuối tháng 8/2023.

Câu chuyện của anh Tiến là điển hình cho những nhà đầu tư có thể nắm giữ xuyên suốt cổ phiếu FPT nói chung và ngành công nghệ thông tin - viễn thông nói chung trong cả năm 2024. Đây cũng là năm đầu tiên có hai doanh nghiệp trong ngành công nghệ - viễn thông là FPT và Viettel Global lọt vào bảng xếp hạng 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giao dịch chứng khoán tại công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (quận 1, TP HCM), hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Giao dịch chứng khoán tại công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (quận 1, TP HCM), hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Bên cạnh FPT, cổ phiếu VGI của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) còn tăng ấn tượng hơn với mức 256% từ đầu năm, đạt 91.700 đồng một cổ phiếu.

Ngoài FPT, VGI, nhiều cổ phiếu của ngành cũng tăng mạnh như CTR (tăng 43%), FOX (tăng 80,2%), CMG (tăng 25,3%), ELC (tăng 29,2%)...

CTR - cổ phiếu của Viettel Constructions - cũng là mã đã giúp nhiều nhà đầu tư thắng lớn, trong đó có ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld (mã CK: DGW). Ông Việt đã mua 1,43 triệu cổ phiếu CTR với tư cách cá nhân từ tháng 9/2023, nâng sở hữu lên 2,8 triệu cổ phiếu, tương ứng với 2,46% vốn điều lệ. Lúc đó, công ty TNHH Created Future – doanh nghiệp do ông Việt làm Chủ tịch Hội đồng thành viên cũng đang nắm giữ 3 triệu cổ phiếu CTR, tương ứng với 2,62% vốn điều lệ.

Ông và tổ chức có liên quan nắm giữ tổng cộng 5,8 triệu cổ phiếu CTR với tỷ lệ sở hữu 5,08% vốn Viettel Construction và trở thành cổ đông lớn. Tuy nhiên, đến ngày 12/11/2024, Chủ tịch của Digdiworld đã bán 20.000 cổ phiếu CTR qua đó hạ sở hữu xuống 4,99% vốn và không còn là cổ đông lớn của Viettel Construction. Như vậy, trong hơn một năm ông Việt làm cổ đông lớn, cổ phiếu CTR đã tăng 78%.

Không chỉ những nhà đầu tư cá nhân mà một số quỹ đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu của ngành công nghệ thông tin, viễn thông lớn trong danh mục cũng có lợi nhuận vượt mức tăng trưởng của VN-Index. Trong đó, cổ phiếu FPT là lựa chọn đầu tư của rất nhiều quỹ.

Theo dữ liệu từ F-market, Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Kinh Tế Hiện đại VinaCapital (VMEEF) - đơn vị thành viên của Vina Capital - đang là quỹ có lợi nhuận trong một năm gần đây đứng đầu thị trường với mức 32,78%, vượt trội so với mức tăng hơn 12% của VN-Index trong năm 2024. Trong danh mục, hai cổ phiếu FOX và FPT cũng chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ này, lần lượt 7,7% và 7% giá trị tài sản ròng và lọt top 5.

Một quỹ đầu tư khác cũng có lợi nhuận vượt mức tăng của VN-Index là Quỹ đầu tư Cổ phiếu VCBF (VCBF - BCF) cũng đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu FPT. Cổ phiếu FPT đang chiếm gần 10% tổng danh mục đầu tư của quỹ có quy mô hơn 35.700 tỷ đồng này. Đây cũng là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục. Trong năm 2024, quỹ này có lợi nhuận hơn 28%, cao hơn mức tăng hơn 12% của VN-Index.

Bản thân cổ phiếu FPT nói riêng hay ngành công nghệ thông tin, viễn thông nói chung cũng giúp tài sản của chủ sở hữu các doanh nghiệp tăng đáng kể trong năm qua. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT, hiện sở hữu hơn 102 triệu cổ phiếu này. Nhờ việc cổ phiếu này tăng 82% trong năm 2024, tài sản của ông Trương Gia Bình cũng tăng 7.000 tỷ trong năm qua, giúp ông quay trở lại top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Ngoài ông Trương Gia Bình, tài sản của ông Bùi Quang Ngọc, Thành viên HĐQT FPT cũng tăng hơn 1.500 tỷ đồng nhờ việc cổ phiếu FPT tăng mạnh, đạt hơn 3.600 tỷ đồng. Bà Trương Thị Thanh Thanh, chị gái ông Trương Gia Bình nhờ việc nắm giữ 21,8 triệu cổ phiếu FPT và 1,6 triệu cổ phiếu FOX của FPT Telecom nên tài sản cũng tăng gần 1.600 tỷ đồng, đạt 3.490 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm